Đình công thế nào là hợp pháp ?

0
1334

Trong quan hệ lao động, mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động luôn tiềm ẩn những mâu thuẫn phát sinh nên vấn đề đình công tại một số doanh nghiệp là điều dễ hiểu. Vậy đình công thế nào là hợp pháp?

Điều kiện đình công hợp pháp

Thứ nhất, cuộc đình công phải phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, có thể trái với quy định của pháp luật lao động, thỏa ước lao động đã được đăng kí với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác ở doanh nghiệp trong quá trình thương lượng tập thể lao động với người sử dụng lao động.

Thứ hai, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết rồi nhưng tập thể lao động không đồng ý với phương án mà các cơ quan thẩm quyền đưa ra trong quá trình giải quyết tranh chấp. Hoặc trong thời gian quy định mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp không tiến hành giải quyết tranh chấp thì tập thể người lao động có quyền tổ chức đình công.

Thứ ba,cuộc đình công phải được Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời lãnh đạo tổ chức và lãnh đạo đình công:

Thứ tư, cuộc đình công phải do người lao động trong cùng một doanh nghiệp  tiến hành. Đối với đình công được tiến hành bởi người lao động ở các doanh nghiệp khác nhau thì đây được coi là cuộc đình công bất hợp pháp.

Thứ năm, doanh nghiệp nơi người lao động đình công không thuộc danh mục không được đình công.

Thứ sáu, cuộc đình công không bị hoãn hoặc ngừng đình công theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thời điểm phát sinh quyền đình công

Theo Khoản 2 Điều 209 Bộ luật Lao động 2012, việc đình công chỉ được tiến hành khi có các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích; và sau 05 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được; hoặc sau 03 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành.

Như vậy, không phải bất cứ lúc nào tập thể người lao động cũng được phép đình công mà chỉ được đình công sau khi Hội đồng trọng tài lao động tiến hành hòa giải.

Trình tự đình công

Bước 1: Lấy ý kiến tập thể lao động

Đối với tập thể lao động có tổ chức công đoàn cơ sở thì lấy ý kiến của thành viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở và tổ trưởng các tổ sản xuất. Nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì lấy ý kiến của tổ trưởng các tổ sản xuất hoặc của người lao động.

Thời gian, hình thức lấy ý kiến (bằng phiếu hoặc chữ ký) để đình công do Ban chấp hành công đoàn quyết định và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 01 ngày

Nội dung lấy ý kiến để đình công bao gồm: Phương án của Ban chấp hành công đoàn về thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công; phạm vi tiến hành đình công; yêu cầu của tập thể lao động và ý kiến của người lao động đồng ý hay không đồng ý đình công.

Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với phương án của Ban chấp hành công đoàn đưa ra thì Ban chấp hành công đoàn ra quyết định đình công bằng văn bản.

Bước 2: Ra quyết định đình công

Ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, Ban chấp hành công đoàn gửi quyết định đình công cho người sử dụng lao động, đồng thời gửi 01 bản cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, 01 bản cho công đoàn cấp tỉnh.

Bước 3: Tiến hành đình công

Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu người sử dụng lao động không chấp nhận giải quyết yêu cầu của tập thể lao động thì Ban chấp hành công đoàn tổ chức và lãnh đạo đình công.

Quyền và nghĩa vụ của các bên trước và trong quá trình đình công

Các bên có quyền tiếp tục thỏa thuận để giải quyết nội dung tranh chấp lao động tập thể hoặc cùng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về lao động, tổ chức công đoàn và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở cấp tỉnh tiến hành hoà giải.

Ban chấp hành công đoàn có quyền sau đây: rút quyết định đình công nếu chưa đình công hoặc chấm dứt đình công nếu đang đình công; yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là hợp pháp.

Song song với đó, người sử dụng lao động có quyền chấp nhận toàn bộ hoặc một phần yêu cầu và thông báo bằng văn bản cho Ban chấp hành công đoàn tổ chức, lãnh đạo đình công; đóng cửa tạm thời nơi làm việc trong thời gian đình công do không đủ điều kiện để duy trì hoạt động bình thường hoặc để bảo vệ tài sản; nhưng không được đóng cửa tạm thời nơi làm việc trước 12 giờ so với thời điểm bắt đầu đình công ghi trong quyết định đình công hoặc sau khi tập thể lao động ngừng đình công; yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là bất hợp pháp.

Khuyến nghị của công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật lao động được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:19006198, E-mail: info@everest.net.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây