Xử lý vi phạm hành chính về lao động và bảo hiểm xã hội

0
1288

Tóm tắt câu hỏi:

Chào luật sư, hiện e đang làm công ty đã ký hợp đồng được 2 năm, công ty e đóng tiền bảo hiểm không đúng tháng luôn luôn đóng trễ, Công nhân luôn luôn nhận thẻ bảo hiểm chậm hơn 1 tháng có khi gần 2 tháng mới nhận thẻ so với ngày ghi trên thẻ bảo hiểm Công ty tháng nào cũng trừ tiền bảo hiểm. Và nhận công nhân vô làm nói là thử việc 3 tháng kí hợp đồng…. nhưng công nhân làm hơn 1 năm mà vẫn không kí (rất nhiều người). Vậy cho e hỏi công ty có làm sai luật không? Cám ơn luật sư

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi đề nghị tư vấn đến Luật Việt. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Theo những thông tin mà bạn cung cấp thì công ty bạn đã có những hành vi vi phạm quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội. Theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; công ty bạn có thể bị xử phạt hành chính bởi các hành vi như sau:

Thứ nhất, công ty bạn không giao kết hợp đồng với người lao động khi đã hết thời gian thử việc mà vẫn tiếp tục sử dụng người lao động trong thời gian dài. Theo đó, công ty bạn sẽ bị xử phạt như sau:

Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:

a)  Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b)  Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c)  Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d)  Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người
lao động;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Thứ hai, Bộ luật Lao động quy định về thời gian thử việc là:

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Theo đó, công ty bạn quy định thử việc 3 tháng (90 ngày) là vi phạm quy định về thời gian thử việc và sẽ bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

Thử việc quá thời gian quy định;

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả đủ 100% tiền lương cho người lao động trong thời gian thử việc.

Thứ ba, công ty bạn thường xuyên chậm đóng bảo hiểm xã hội, đây là hành vi vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội. Theo đó, công ty của bạn sẽ bị xử phạt như sau:

Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo him xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng  lao động có một trong các hành vi sau đây:

Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng. Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã  hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm.

Trên đây là nội dung tư vấn của V-law về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xử lý vi phạm hành chính về lao động và bảo hiểm xã hội. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến – Số điện thoại liên hệ 1900.6198 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây