Người lao động nghỉ việc nhưng công ty không đồng ý, phải làm sao?

0
1355

Khi người lao động muốn nghỉ việc nhưng công ty không đồng ý thì người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng tuy nhiên tùy vào từng trường hợp, người lao động cần phải đảm bảo quy định về thời hạn báo trước.

Bài viết được thực hiện bởi: Chuyên viên Nguyễn Tiến Dũng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động

Điều 35 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động như sau: “1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau: a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng; d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ. 2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây: a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này; b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này; c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này; e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động”.

Một số lưu ý cho người lao động khi xin nghỉ việc nhưng công ty không đồng ý

Thứ nhất, thông báo bằng văn bản những nội dung sau:

Thông báo ngày nghỉ việc nếu công ty vẫn không đồng ý hoặc không phản hồi: Ngày nghỉ việc là ngày sau khi hết thời hạn phải báo trước; Thông báo về thời gian bàn giao công việc, yêu cầu công ty bố trí nhân sự để bàn giao công việc: Có một số trường hợp công ty / doanh nghiệp lấy lý do chưa bàn giao xong công việc để không cho người lao động nghỉ việc. Tuy nhiên bộ luật lao động không có quy định này, vì vậy nên yêu cầu công ty thực hiện bàn giao công việc ngay khi bạn nộp đơn.

Thông báo các khoản tiền công ty cần thanh toán, hồ sơ công ty cần hoàn trả: Có những trường hợp doanh nghiệp còn nợ lương của người lao động, giữ giấy tờ gốc (bằng cấp, chứng chỉ…) mặc dù không được phép. Đối với những trường hợp như vậy cần yêu cầu công ty hoàn trả lại.

Thứ hai, đọc kỹ lại Nội quy lao động và Thỏa ước lao động tập thể (nếu có)

Thường thì ít người lao động để ý đến 2 văn bản này, hoặc có đọc nhưng chưa đọc kỹ, còn người sử dụng lao động đôi khi họ xây dựng nội quy theo mẫu có sẵn và có những điều khoản chưa phù hợp với đặc thù doanh nghiệp của mình, hoặc cũng có thể mẫu đó quá cũ nên đôi khi có những quy định không phù hợp với bộ luật lao động mới mà họ không biết. Vì vậy, nên đọc kỹ nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể, nhất là những vấn đề liên quan đến việc của mình.

Thứ ba, yêu cầu người sử dụng lao động đưa ra ý kiến bằng văn bản / email hoặc các phương tiện khác có thể lưu lại. Có những trường hợp xin nghỉ việc và sếp đồng ý nhưng chỉ bằng lời nói, việc này mang lại rất nhiều rủi ro khi có tranh chấp. Vì vậy, nếu công ty đã đồng ý cho nghỉ việc thì cần yêu cầu công ty ban hành các văn bản/quyết định thể hiện sự đồng ý này.

Thứ tư, tiến hành bàn giao công việc: Nếu như công ty bố trí người nhận bàn giao thì  có thể thực hiện bàn giao công việc theo quy định của công ty. Nếu như công ty không bố trí người nhận bàn giao thì có thể tạm thời tổng hợp, liệt kê các công việc cần bàn giao sau đó gửi cho công ty trước khi nghỉ việc.

Thứ năm, tiếp tục đi làm và thực hiện công việc đúng như hợp đồng lao động. Theo tâm lý thông thường, khi người quản lý biết bạn xin nghỉ việc, thì đa phần sẽ không được đối xử như trước. Trong quá trình đợi để nghỉ việc, một số người lao động vẫn được đối xử bình thường, nhưng một số người lao động sẽ cảm thấy không thoải mái, thậm chí khó chịu. Ngoài ra có những ngươi lao động đã có được công việc mới trước cả khi xin nghỉ việc, tất cả những điều đó dẫn đến việc người lao động mong muốn nghỉ việc càng sớm càng tốt, hoặc tự nghỉ việc. Tuy nhiên tuyệt đối không nên tự ý nghỉ việc khi chưa được sự đồng ý của người sử dụng lao động và/hoặc chưa đủ thời gian báo trước bởi có thể sẽ rơi vào trường hợp Đơn phương chấm dứt Hợp đồng trái pháp luật. Sau khi đủ thời gian báo trước theo quy định, mới có thể tự nghỉ làm.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây