Người lao động là giúp việc gia đình có quyền, nghĩa vụ như thế nào?

0
2344

Lao động là người giúp việc gia đình, là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Quyền và nghĩa vụ của người giúp việc gia đình được quy định trong Bộ Luật lao động hiện hành.

Bài tư vấn pháp luật lao động được thực hiện bởi: Luật gia Huỳnh Thu Hương – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Khái niệm lao động là người giúp việc gia đình

Lao động là người giúp việc trong gia đình theo quy định tại Bộ luật lao động năm 2019 được hiểu là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Căn cứ Điều 161 Bộ Luật Lao Động năm 2019 quy định về lao động là người giúp việc gia đình:

(i) Lao động là người giúp việc gia đình, là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình.

Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.

(ii) Người làm các công việc giúp việc gia đình theo hình thức khoán việc thì không thuộc đối tượng áp dụng của Bộ luật này”.

Nghĩa vụ của người lao động giúp việc gia đình

Điều 164 Bộ luật lao động năm 2019 quy định nghĩa vụ của lao động là người giúp việc gia đình như sau: “1. Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động. 2. Phải bồi thường theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật nếu làm hỏng, mất tài sản của người sử dụng lao động. 3. Thông báo kịp thời với người sử dụng lao động về khả năng, nguy cơ gây tai nạn, đe dọa an toàn, sức khỏe, tính mạng, tài sản của gia đình người sử dụng lao động và bản thân. 4. Tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật”.

Người giúp việc gia đình thực hiện các công việc được thỏa thuận và ghi nhận trong hợp đồng lao động. Bao gồm các công việc thường xuyên trong gia đình và các công việc khác trong gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại. Điều 3 Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:

Các công việc thường xuyên trong gia đình

Người giúp việc thực hiện các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn.

Các công việc khác trong gia đình

Ngoài các công việc thường xuyên trên, người giúp việc còn thực hiện các công việc khác trong gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại, bao gồm:

(i) Nấu ăn cho các thành viên trong hộ gia đình mà không phải bán hàng ăn;

(ii) Trồng rau, hoa quả, cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm phục vụ sinh hoạt của các thành viên trong hộ gia đình mà không phải để bán, trao đổi hàng hóa;

(iii) Lau dọn nhà ở, sân vườn, bảo vệ nhà cửa, tài sản của hộ gia đình mà không phải là nhà xưởng, cửa hàng, văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh;

(iv) Lái xe đưa đón các thành viên trong hộ gia đình hoặc vận chuyển các đồ đạc, tài sản của hộ gia đình mà không phải đưa đón thành viên trong hộ gia đình tham gia sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, kinh doanh;

(v) Kèm cặp thành viên trong hộ gia đình học văn hóa; giặt quần áo, chăn màn của các thành viên trong hộ gia đình mà không phải kinh doanh giặt là hoặc không phải giặt quần áo bảo hộ lao động của những người được thuê mướn sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình;

(vi) Công việc khác phục vụ đời sống, sinh hoạt của hộ gia đình, các thành viên trong hộ gia đình và không trực tiếp hoặc góp phần tạo ra thu nhập cho hộ hoặc cá nhân trong hộ gia đình.

Quyền của người lao động giúp việc gia đình

(i) Được hưởng lương phù hợp trên cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động;

(ii) Được nhận khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ người sử dụng lao động theo quy định pháp luật để tự lo bảo hiểm

(iii) Được bố trí chỗ ăn, ở sạch sẽ hợp vệ sinh nếu có thỏa thuận

(iv) Được người sử dụng lao động trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

(v) Bên cạnh đó tại điều 181, 183 Bộ Luật lao động 2012 cũng quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động cũng như các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động như: ngược đãi, quấy rối, cưỡng bức, dùng vũ lực đối với người lao động giúp việc nhà; giao việc không theo hợp đồng; giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây