Được đảm bảo quyền làm việc bình đẳng
Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng giữa lao động nữ và lao động nam trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần;
Nhà nước bảo đảm bình đẳng về các lĩnh vực trên trong quan hệ lao động, chính sách ưu đãi, xét giảm thuế. Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động:
Ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ;
Thực hiện các chính sách đối với lao động nữ tốt hơn so với quy định của pháp luật.
Cải thiện điều kiện lao động đối với lao động nữ
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động phối hợp với tổ chức công đoàn lập kế hoạch, thực hiện các giải pháp để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà phù hợp với nguyện vọng chính đáng của lao động nữ.
Ngoài ra, người sử dụng lao động có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hoà cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình.
Giảm thuế đối với người sử dụng lao động có nhiều lao động nữ
Việc xác định doanh nghiệp có nhiều lao động nữ được dựa trên quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 85/2015/NĐ-CP. Theo đó, người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ là người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Sử dụng từ 10 đến dưới 100 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 50% trở lên so với tổng số lao động;
Sử dụng từ trên 100 đến dưới 1.000 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 30% trở lên so với tổng số lao động;
Sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên.
Người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ được Nhà nước hỗ trợ như sau:
Được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
Các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính.
Mở thêm nhiều loại hình đào tạo việc làm
Vấn đề lao động, việc làm là một trong những quan tâm hàng đầu của người lao động vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của cá nhân và cả gia đình người lao động.
Để khác phục tình trạng thất nghiệp, không có việc làm, Nhà nước khuyến khích mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ.
Tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ
Đây là một trong những chính sách phù hợp và mang lại nhiều lợi ích cho người lao động nữ để họ vừa đảm bảo chức năng làm mẹ vừa đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của một người lao động.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
- Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.