Trách nhiệm của công ty đối với người bị tai nạn lao động?

0
2035

Tóm tắt câu hỏi:

Luật sư cho em hỏi em bị tai nạn lao động không phải lỗi của em trong thời gian bị công ty trả lương trễ hơn 1 tháng. Tạm ứng 10 triệu để điều trị nhưng trừ đi mỗi tháng 1 triệu khi em chưa đi làm lại. Và em đang điều trị tại nhà vì không đủ kinh phí e bị phần mềm gót chân phải mổ cắt lọc da thưa nẹp bột thời gian đầu e phải di chuyển từ nhà tới bệnh viện bằng taxi grap vì không ngồi xe máy được nhưng công ty hoàn toàn không hổ trợ kinh phí này. Và trong lúc đang điều tri ngoài khả năng kinh tế của e có xin tạm ứng thêm 1-2 triệu để tái khám thì công ty không duyệt ạ, tới nay e không có khả năng tái khám không có giấy nghỉ của bệnh viện và bảo hiểm vì không tái khám đúng quy định là ngày 13/6/2017 tới hiện nay 05/7/2017 em có xin hổ trợ và công ty trả lời hết quỷ để tạm ứng ạ. Còn vấn đề xe trong thời gian điều trị em có hoá đơn và xác nhận có mọc ạ công ty trả lời em là đi xe ôm thì được có thể thanh toán. Hiện nay e vẫn chưa giám định y khoa vì không đủ điều kiện ạ mong luật sư tư vấn giúp.

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi V-Law, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì trường hợp của bạn có thể được hưởng chế độ bảo hiểm về tai nạn lao động nếu đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 43 – Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Điều 43. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.

Do đó, nếu bạn bị tai nạn trong giờ làm việc tại nơi làm việc hoặc bị tai nạn khi thực hiện công việc theo yêu cầu của công ty, tai nạn trên đường di chuyển từ nhà đến nơi làm việc, mà mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì bạn sẽ được hưởng bảo hiểm về chế độ tai nạn lao động.

Nếu đã đủ điều kiện để hưởng chế độ tai nạn lao động, thì tùy vào mức suy giảm khả năng lao động mà bạn sẽ được hưởng trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Điều 46 và Điều 47:

Điều 46. Trợ cấp một lần

1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.

2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:

a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền
lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Điều 47. Trợ cấp hằng tháng

1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

2. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:

a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Về vấn đề công ty của bạn có trách nhiệm gì trong việc bạn bị tai nạn lao động,  Điều 144 – Bộ luật lao động 2012 và Điều 38 – Luật an toàn vệ sinh lao động có trình bày cụ thể như sau:

Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.”

Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

6. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;

7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;

8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này;

10. Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản
bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Do đó, công ty bạn có trách nhiệm thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho bạn theo đúng quy định trên, đó là các khoản chi phí:

– Chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả.

– Phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5%.

-Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

– Như bạn trình bày thì tai nạn lao động không hoàn toàn do lỗi của bạn. Vì vậy công ty phải bồi thường một mức tương ứng với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động.

Về vấn đề tái khám của bạn, pháp luật có quy định như sau tại  Khoản 7,  Điều 8 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT- BYT-BLĐTBXH:

Điều 8. Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

7. Người tham gia BHYT đến khám lại theo giấy hẹn của bác sỹ tại cơ sở y tế tuyến trên không qua cơ sở y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu phải xuất trình các giấy tờ quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều này và giấy hẹn khám lại. Mỗi giấy hẹn khám lại chỉ có giá trị sử dụng một lần theo thời gian ghi trong giấy hẹn. Căn cứ vào tình trạng bệnh và yêu cầu chuyên môn khi người bệnh đến khám lại, bác sỹ quyết định việc tiếp tục hẹn khám lại cho người bệnh.”

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 12 Thông tư số 40/2015/TT-BYT quy định:

Điều 12. Sử dụng Giấy chuyển tuyến và Giấy hẹn khám lại trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

2. Sử dụng Giấy hẹn khám lại: Mỗi Giấy hẹn khám lại chỉ sử dụng 01 (một) lần theo thời gian ghi trong Giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Mẫu Giấy hẹn khám lại đối với người bệnh bảo hiểm y tế quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư
này.

Như vậy, giấy hẹn khám lại của bạn chỉ có giá trị một lần và vào đúng ngày đã được ghi trong giấy hẹn, vì thế nếu bạn không tái khám đúng ngày trong giấy hẹn thì sẽ không được coi là khám lại mà phải thực hiện như khám bệnh lần đầu.

Về vấn đề hỗ trợ chi phí đi lại trong thời gian điều trị, công ty có thể hỗ trợ phần chi phí hợp lý cho việc đi lại của bạn. Ở đây, công ty cho rằng mức hỗ trợ với việc bạn di chuyển bằng xe máy được cho là hợp lý, còn di chuyền bằng taxi thì không. Do đó, giữa bạn và công ty cần thống nhất lại quan điểm trong vấn đề này, do bạn bị thương ở chân thì việc đi lại bằng taxi hay xe máy thì hợp lý hơn với tình trạng của bạn?… Sau khi thống nhất vấn đề này, công ty sẽ đưa ra phương án hỗ trợ chi phí đi lại cho bạn.

Trên đây là nội dung tư vấn của V-Law về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi – Số điện thoại liên hệ: 1900.6198 để được hỗ trợ kịp thời.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây