Rủi ro gặp phải khi không giao kết hợp đồng lao động

0
2187

Không giao kết hợp đồng lao động, không hồ sơ xin việc, không chỉ người lao động đối mặt với nhiều rủi ro mà bản thân chủ sử dụng lao động cũng phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Bài viết được thực hiện bởi: Chuyên viên Nguyễn Tiến Dũng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Quy định về nghĩa vụ giao kết hợp đồng

Điều 13 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về hợp đồng lao động, theo đó: “1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động. 2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động”.

Như vậy, khoản 2 Điều này ghi nhận trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

Khi giao kết hợp đồng, hình thức của hợp đồng sẽ được thực hiện theo Điều 14 Bộ luật lao động năm 2019 về hình thức hợp đồng lao động, cụ thể: “1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản. 2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này”.

Rủi ro gặp phải khi không giao kết hợp đồng lao động

Người lao động không được đảm bảo quyền lợi

Việc tham gia lao động mà không có hợp đồng sẽ dẫn đến nhiều rủi ro cho người lao động, các vấn đề về tiền lương, các khoản thu ngoài lương, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi… không được cụ thể, dẫn đến quyền lợi của người lao động không được đảm bảo. Việc cung cấp hồ sơ xin việc, thực hiện giao kết hợp đồng lao động cũng là những căn cứ để người lao động bảo vệ mình khi có vấn đề pháp lý phát sinh. Thậm chí, trong trường hợp xấu, người lao động có thể phải đối mặt với những dịch vụ kinh doanh bất hợp pháp, đường dây mua bán người, bị ép buộc lao động, bóc lột lao động…

Người sử dụng lao động phải đối mặt với nhiều chế tài

Theo quy định của pháp luật về lao động, Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Do đó, nếu người sử dụng lao động có dấu hiệu không ký kết hợp đồng lao động, mặc dù đã có yêu cầu từ phía người lao động về việc ký kết này nhưng vẫn không thực hiện thì bị xử phạt theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định 95/2013/NĐ-CP như sau: “1.  Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao
kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây: A, Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;…”

Đồng thời, tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau: “1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng…”.

Còn theo Khoản 3 Điều 26 Nghị định 93/2015/NĐ-CP thì: “Điều 26. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp: 3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp”.

Trong trường hợp này, người lao động có quyền làm đơn khiếu nại đến Phòng Lao động-thương binh và xã hội cấp quận/huyện nơi công ty đóng trụ sở để nhờ can thiệp hoặc khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để cơ quan có thẩm quyền xử lý những vi phạm của doanh nghiệp. Trong đơn cần nêu rõ hành vi vi phạm pháp luật của cơ sở này để cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật như đã nêu trên.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây