Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người lao động

0
1124

Bồi thường thiệt hại là trách nhiệm vật chất của người lao động được quy định trong Bộ luât Lao động. Trong đó, người lao động bằng tài sản cá nhân, đền bù thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Trong quan hệ lao động, hành vi gây thiệt hại của người lao động có thể ảnh hưởng một phần hoặc gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế của người sử dụng lao động, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc…

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

Theo nguyên tắc, bồi thường thiệt hai chỉ xảy ra khi người lao động vì lỗi vô ý hoặc cố ý gây thiệt hại cho người sử dụng lao động. Bởi dù vô ý hay cố ý thì thiệt hại thực thế cũng đã xảy ra và người đang chịu thiệt hại là người sử dụng lao động. Vì vậy, người lao động cũng phải có trách nhiệm, nghĩa vụ bồi thường đối với lỗi do mình gây ra. Trường hợp khi có thiệt hại xảy ra mà lỗi không thuộc về người lao động như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh… thì người sử dụng lao động không có quyền yêu cầu người lao động phải bồi thường thiệt hại.

Việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động. Theo đó, mặc dù lỗi thuộc về người lao động, nhưng khi xem xét mức độ bồi thường thiệt hại, người sử dụng lao động phải có quá trình xem xét thực tế vào thiệt hại thực tế mà người lao động, hoặc nhóm người lao động, hoặc đâu là thiệt hại do người lao động gây ra, đâu là thiệt hại do khách quan gây ra… và hoàn cảnh thực tế của người lao động. Nếu người lao động quá khó khăn và không có đủ điều kiện để bồi thường thì có thể đưa ra những phương án hỗ trợ người lao động như khấu trừ lương, làm tăng ca, tham gia thêm các hoạt động của doanh nghiệp… để hỗ trợ người lao động vừa đảm bảo được cuộc sống, vừa có thể bồi thường thiệt hại do mình gây ra.

Các trường hợp bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Điều 130 Bộ luật lao động 2012 thì người lao động phải bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây: (i) Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động; (ii) người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép

Mức bồi thường thiệt hại

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương. Tuy nhiên, mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập (Khoản 3 Điều 101 Bộ luật lao động năm 2012 ).

Trường hợp người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường;

Trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm;

Trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.
Khiếu nại về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất
Theo quy định tại Điều 33 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì:

Người bị xử lý kỷ luật lao động, bị tạm đình chỉ công việc hoặc phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất nếu thấy không thỏa đáng thì có đơn khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo trình tự quy định tại Bộ luật Lao động.

Người sử dụng lao động phải hủy bỏ hoặc ban hành quyết định thay thế quyết định đã ban hành và thông báo đến người lao động trong phạm vi doanh nghiệp biết khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại kết luận khác với nội dung quyết định xử lý kỷ luật lao động hoặc quyết định tạm đình chỉ công việc hoặc quyết định bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất của người sử dụng lao động.

Người sử dụng lao động phải khôi phục quyền và lợi ích của người lao động bị vi phạm do quyết định xử lý kỷ luật lao động hoặc quyết định tạm đình chỉ công việc hoặc quyết định bồi thường thiệt hại của người sử dụng lao động.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Trần Minh Ngọc – Công ty Luật TNHH Everest

Khuyến nghị của công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật lao động được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 19006198, E-mail: info@everest.net.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây