Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật

0
788

Việc bảo vệ người lao động trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động là nguyên tắc cốt lõi trong pháp luật lao động, công chức, viên chức suy cho đến cùng cũng là “người lao động” trong mối quan hệ với cơ quan nhà nước hoặc các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 162 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Công ty giải thể
     Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật lao động gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật là gì?

Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điều 162 Bộ luật hình sự vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác gây hậu quả nghiêm trọng.

Quy định của Bộ luật hình sự về tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật?

Dấu hiệu khách thể của tội phạm

Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật có khách thể chung là quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, khách thể trực tiếp là xâm phạm đến quyền làm việc của công dân được quy định Tại Điều 35 Hiến pháp nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 như sau: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.”

Đối tượng của tội phạm là: Công chức, viên chức, người lao động. Cụ thể:

Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Người lao động là một cá nhân, có mong muốn và trực tiếp tham gia xác lập, thực hiện quan hệ pháp luật giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Dấu hiệu khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm là:

(i) Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức: Buộc thôi việc là hình thức xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức. Buộc thôi việc trái pháp luật là hành vi buộc thôi việc không đáp ứng được các điều kiện buộc thôi việc theo quy định của pháp luật. Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý ra quyết định buộc công chức, viên chức dưới quyền mình phải thôi việc.

(ii) Sa thải trái pháp luật đối với người lao động: Sa thải là hình thức kỷ luật áp dụng đối với người lao động. Sa thải trái pháp luật là hành vi sa thái không đáp ứng các điều kiện tại Điều 125 Bộ luật lao động năm 2019, do người sử dụng lao động mà cụ thể là người có quyền (như giám đốc, chủ tịch, trưởng phòng tuyển dụng,..) vì vụ lợi, hoặc động cơ cá nhân mà ra quyết định sa thải đối với người lao động.

(iii) Cưỡng ép, đe dọa buộc công chức, viên chức, người lao động phải thôi việc: Là hành vi buộc công chức, viên chức, người lao động phải thôi việc trái với ý muốn của họ, hành vi cưỡng ép có thể thực hiện thông qua các thủ đoạn như mua chuộc, dùng lời nói,.. đe dọa có thể thực hiện qua hành động, lời nói.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, theo đó việc thực hiện các hành vi khách quan phải gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng được xác định phụ thuộc vào hoàn cảnh thực tế, đó có thể là khiến công chức, viên chức, người lao động lâm vào tình trạng khó khăn, không có đủ điều kiện kinh tế duy trì cuộc sống, hành vi đe dọa làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần đối với họ.

Dấu hiệu chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật là lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ hành vi buộc thôi việc người lao động, công chức, viên chức hoặc sa thải người lao động là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện.

Động cơ là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm: đông cơ được mô tả là vì vụ lợi (lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần, địa vị trong cơ sở làm việc) hoặc động cơ cá nhân khác (vì tư thù cá nhân).

Dấu hiệu chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định. Chủ thể của tội này là chủ thể đặc biệt, có chức vụ, quyền hạn, ví dụ: Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý, người đứng đầu trong các doanh nghiệp, công ty hay các trưởng phòng tuyển dụng. Nói chung, chủ thể của tội phải là người có quyền trực tiếp tác động lên viên chức, công chức và người lao động.

Khung hình phạt áp dụng

Khung hình phạt cơ bản: bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Khung hình phạt tăng nặng : bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm, khi có một trong các tình tiết tăng nặng sau:

(i) Đối với 02 người trở lên;

(ii) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

(iii) Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

(iv) Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát;

(v) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.

Khung hình phạt bổ sung: bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật lần đầu tiên được quy định tại Điều 128 bộ luật hình sự năm 1999 với nội dung:

Điều 128. Tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật

Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Điểm tiến bộ của Bộ luật hình sự năm 2015 là quy định cụ thể hơn về hành vi cấu thành tội phạm, thay đổi mức hình phạt và có tăng nặng trách nhiệm hình sự với mức cao nhất là 03 năm tù.

Tại Bộ luật hình sự năm 1985 thì có quy định về tội buộc người lao động thôi việc trái pháp luật. Bộ luật hình sự 2015 là sự kết hợp của hai tội này trong cùng một điều luật.

Thực tế cho thấy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này là rất khó, khi xảy ra các hành vi quy định trên người lao động thường lựa chọn khởi kiện ra tòa án dân sự nhằm đòi đòi bồi thường hoặc có các yêu cầu khác. Việc phát hiện và xử lý hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự cho đến nay là chưa có một bản án nào.

Thông thường khi người lao động bị sa thải trái pháp luật, người lao động thường thực hiện các cách thức sau để bảo vệ quyền lợi của mình:

(i) Khiếu nại lần đầu trực tiếp với người ra quyết định sa thải, khiếu nại lần 2 tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính nếu không được giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc không đồng ý với việc giải quyết đó.

(ii) Hòa giải thông qua hòa giải viên lao động.

(iii) Khởi kiện tại Tòa án theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

(iv) Tố giác tới các cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự, chủ yếu là cơ quan điều tra.

Trường hợp kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải trái pháp luật thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện:

(i) Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

(ii) Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài Khoản tiền bồi thường quy định tại Khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

(iii) Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài Khoản tiền bồi thường quy định tại Khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận Khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

(iv) Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài Khoản tiền bồi thường quy định tại Khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây