Thẩm quyền của Tòa án đối với tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài

0
2462
Thẩm quyền của Tòa án đối với tranh chấp về lao động có yếu tố nước ngoài. Giải quyết tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài.


Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về lao động của Tòa án

Căn cứ Điều 31 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp về lao động của Tòa án bao gồm:

Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động mà Hội đồng hoà giải lao động cơ sở, hoà giải viên lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoà giải không thành hoặc không giải quyết trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp sau đây không nhất thiết phải qua hoà giải tại cơ sở:

  • Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
  • Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động và người sử dụng lao động; về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
  • Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
  • Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về lao động;
  • Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động đã được Hội đồng trọng tài lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động, bao gồm:

  • Về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác;
  • Về việc thực hiện thoả ước lao động tập thể;
  • Về quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn.
  • Các tranh chấp khác về lao động mà pháp luật có quy định.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 405 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 thì đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài được hiểu như sau:

Tranh chấp đó có ít nhất một trong các đương sự là người nước ngoài, người Việt Nam định
cư ở nước ngoài hoặc các quan hệ dân sự giữa các đương sự là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.

Xác định thẩm quyền của Tòa án theo cấp:

Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện: căn cứ điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP thì: Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về lao động có yếu tố nước ngoài nếu không rơi vào các trường hợp các vụ tranh
chấp mà đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài.

Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh:

Căn cứ điểm b khoản 5 Điều 7 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP thì tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp mà đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài.

Đương sự ở nước ngoài được hiểu:

– Đương sự là người nước ngoài không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

– Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

– Đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

– Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

– Cơ quan, tổ chức không phân biệt là cơ quan, tổ chức nước ngoài hay cơ quan, tổ chức Việt Nam mà không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.Tài sản ở nước ngoài

Tài sản ở nước ngoài là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 ở ngoài biên giới lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.

Cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ởnước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài là trường hợp trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự cần phải tiến hành một hoặc một số hoạt động tố tụng dân sự ở nước ngoài mà Tòa án Việt Nam không thể thực hiện được, cần phải yêu cầu cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hoặc đề nghị Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ:

– Trong trường hợp đương sự ở nước ngoài không có mặt tại Việt Nam tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa nơi:

Nguyên đơn khi hai bên có thỏa thuận thì đó là nơi nguyên đơn cư trú (cá nhân), có trụ sở (tổ chức); khi không biết nơi cư trú, nơi làm việc của bị đơn; khi tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động;

– Trong trường hợp đương sự ở nước ngoài có mặt tại Việt Nam đang cư trú và làm việc tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án về lao động;

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Để được tư vấn, lắng nghe ý kiến tư vấn chính xác nhất và mới nhất từ các Luật sư vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6198. Các Luật sư chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm của chúng tôi sẽ tư vấn – hỗ trợ bạn ngay lập tức.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây