Tham gia, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động

0
1298

Em đang định làm đơn lên Phòng lao động quận Tân Phú. Vậy cho em hỏi trường hợp của em có thể nhờ Phòng lao động để lấy lương được không?

Tóm tắt câu hỏi:

Chào V-Law. Hiện nay em có thắc mắc về vấn đề lương như sau:

Em làm cho Công ty cồ phần nhôm kính Đại Dương ở quận Tân Phú được 3 tháng rưỡi. Khi vào làm không ký hợp đồng thử việc hay chính thức gì cả, chỉ thoả thuận bằng miệng với nhau là thử việc 2 tháng hưởng 80% lương, sau 6 tháng thì cho tham gia đầy đủ các chế độ theo quy định. Nhưng ngày 10/12 em có công chuyện gia đình xin nghỉ phép 1 tuần (em gửi qua tin nhắn) nhưng qua 1 tuần vì công chuyện gia đình em không thể tiếp tục đi làm được. Vì không có mặt ở thành phố nên em có viết mail xin thôi việc và làm biên bản bàn giao đính kèm. Gọi điện thì giám đốc không nghe máy nên chỉ có nhắn tin và gửi qua mail thôi. Em nhắn tin cho Giám đốc thanh toán lương tháng 11 (em làm 22.5*200.000/ngày = 4.500.000đ) và tháng 12 em làm được 9 công (9*200.000/ngày = 1.800.000đ). Giám đốc em nhắn tin lại là “Em đã làm ở công ty và hiểu luật của những người nghỉ việc vô tổ chức”. Em làm ở công ty nên biết tình trạng không trả lương cho công nhân là chuyện thường xuyên và cuối cùng người lao động bị xù lương.

Em đang định làm đơn lên Phòng lao động quận Tân Phú. Vậy cho em hỏi trường hợp của em có thể nhờ Phòng lao động để lấy lương được không?

Em xin chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến V-Law. Trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau.

Điều 37 Bộ luật lao động 2012 quy định về Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động như sau:

“1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

…………………………………………………..

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

…………………………………………………………”

Căn cứ vào quy định trên thì trường hợp của bạn là do gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục làm việc tại công ty nên bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Và theo quy định tại Điều 47 Bộ luật lao động thì phía công ty có trách nhiệm phải thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của bạn.

Điều 188 Bộ luật lao động 2012 quy định về Vai trò của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động như sau:

“1. Công đoàn cơ sở thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động; tham gia, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động, quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; tham gia, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động; đối thoại, hợp tác với người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.

………………………………………………

3. Ở những nơi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện trách nhiệm như quy định tại khoản 1 Điều này.

………………………………………………..”

Điều 7 Thông tư số 08/2013/TT-BLĐTBXH quy định về Tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động như sau:

“1. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề.

2. Bên yêu cầu hòa giải được lựa chọn hòa giải viên lao động để đề nghị Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động.

3. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động.

4. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động.

Quyết định cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động theo mẫu số 04/HGV ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định cử tham gia giải quyết tranh chấp lao động, hòa giải viên lao động phải thông báo chương trình, thời gian, địa điểm tổ chức phiên họp hòa giải cho các bên tranh chấp biết trước ít nhất một ngày làm việc trước khi tiến hành.

6. Trường hợp cần thiết thì Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khác trong tỉnh để cử hòa giải viên lao động hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động.

Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đề nghị hỗ trợ hòa giải viên lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện hoạt động của hòa giải viên lao động theo quy định tại Điều 7 Nghị định số
46/2013/NĐ-CP.”

Khi bạn thông báo xin nghỉ việc thì giám đốc công ty không nghe máy và sau đó lại không trả lương cho bạn. Do đó, căn cứ vào các quy định trên thì bạn có thể nhờ tổ chức Công đoàn tham gia, hỗ trợ giải quyết tranh chấp hoặc bạn có thể gửi đơn lên Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội để có thể lấy lại tiền lương cho bạn.

Như vậy, bạn có thể nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lên Phòng Lao động – Thương
binh và Xã hội để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn.

Trên đây là nội dung tư vấn của V-Law về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tham gia, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến – Số điện thoại liên hệ 1900.6198 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây