Sự cần thiết khi ban hành bộ luật lao động năm 2019

0
944

Bộ luật Lao động của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành lần đầu tiên vào ngày 23/06/1994 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1995), đã được sửa đổi, bổ sung ba lần vào các năm 2002, 2006, 2007.

bảo hiểm thất nghiệp
         Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật lao động gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Sở dĩ Bộ luật lao động năm 2019 được sửa đổi toàn diện là xuất phát từ các lý do cơ bản sau đây:

Những vướng mắc, bất cập trong quy định và thực tiễn thi hành của Bộ luật lao động cũ

Xuất phát từ những vướng mắc, bất cập trong quy định và thực tiễn thi hành của Bộ luật Lao động cũ năm 2012. Qua 7 năm thực hiện, Bộ luật Lao động cũ năm 2012 đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập cần khắc phục, hoàn thiện. Đó là:

Hầu hết các nội dung cơ bản của Bộ luật như nội dung về hợp đồng lao động, tiền lương, kỷ luật lao động, thời giờ làm việc, thương lượng tập thể, công đoàn, giải quyết tranh chấp lao động,…đều còn vướng mắc. Cụ thể, các quy định về trợ cấp thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động, thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi,… chưa bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích của người lao động và chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế thị trường. Các quy định về công đoàn, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, đình công,… chưa phù hợp với yêu cầu hội nhập thương mại quốc tế. Một số quy định về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động, xây dựng thang lương, bảng lương, thời giờ làm việc,… chưa phù hợp với thực tế quản lý lao động trong các đơn vị sử dụng lao động hiện nay.

Một số nội dung khác chưa được Bộ luật quy định cụ thể. Chẳng hạn, chưa làm rõ một số khái niệm như phân biệt đối xử trong lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc,… Chưa quy định lấy ý kiến tổ chức công đoàn cấp cơ sở hoặc tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khi xây dựng nội quy lao động, xử lý kỷ luật lao động, cho người lao động thôi việc, xây dựng thang lương, bảng lương,… Chưa có văn bản hướng dẫn các quy định về: miễn giảm tiêu chuẩn đối với người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động; sổ lương, quản lý và lưu trữ hồ sơ của người lao động; giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ;… Một số quy định còn chồng chéo, chưa bảo đảm sự thống nhất giữa quy định của Bộ luật và văn bản hướng dẫn, như quy định về chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi, giao kết hợp đồng lao động với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam,…

Trong khi đó, theo Điều 242 Bộ luật Lao động cũ năm 2012, cơ quan có thẩm quyền chỉ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những nội dung được giao, vì thế trong quá trình thực hiện Bộ luật, đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Trước các yêu cầu và kiến nghị của nhiều địa phương, doanh nghiệp, được sự đồng ý của ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số nghị định như Nghị định cũ số 05/2015/NĐ-CP, Nghị định cũ số 148/2018/NĐ-CP để hướng dẫn thêm một số nội dung của Bộ luật ngoài phạm vi được giao quy định tại Điều 242 Bộ luật Lao động cũ năm 2012. Tình trạng này dẫn đến một chế định có thể được hướng dẫn ở nhiều văn bản khác nhau, ví dụ: chế định họp đồng lao động được hướng dẫn ở nhiều nghị định là Nghị định cũ số 44/2013/NĐ-CP, Nghị định cũ số 05/20 Ỉ5/NĐ-CP, Nghị định cũ số 148/2018/NĐ-CP, gây không ít khó khăn trong quá trình thực thi cũng như áp dụng Bộ luật. Hơn nữa, trong phạm vi văn bản hướng dẫn, các vướng mắc mới chỉ được giải quyết theo từng nội dung nhỏ, mang tính tình thế mà chưa có sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt các chương trong Bộ luật.

Do vậy, Bộ luật Lao động cũ năm 2012 cần được sửa đổi để khắc phục ngay những bất cập nêu trên, nhằm tạo môi trường pháp lý linh hoạt, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích các bên cũng như bảo đảm phù hợp với sự phát triển của quan hệ lao động và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thể chế hóa quy định của Hiến pháp và đảm bảo tính hệ thống của pháp luật

Xuất phát từ việc thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Nhằm bổ sung thêm các chế định mới thể hiện rõ nét nhất về quyền con người trong lĩnh vực lao động

Bộ luật Lao động cần được tiếp tục sửa đổi để bổ sung các chế định mới nhằm thể chế hoá Hiến pháp năm 2013 về quyền con người trong lĩnh vực lao động. Bởi lẽ thời gian soạn thảo Bộ luật Lao động cũ năm 2012 cũng là thời gian mà Hiến pháp năm 2013 được soạn thảo. Quá trình soạn thảo dự thảo Bộ luật Lao động cũ năm 2012 được thực hiện từ năm 2008 đến tháng 5/2012, dù đã cụ thể hóa cơ bản tinh thần của dự thảo Hiến pháp năm 2013, nhưng vẫn chưa thể chế hóa đẩy đủ các nội dung của Hiến pháp liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành.

Quốc hội ban hành nhiều đạo luật mới làm thay đổi hoặc phát sinh những vấn đề mới liên quan đến lao động

Ngoài ra, trong thời gian gần đây, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật mới làm thay đổi hoặc phát sinh những vấn đề mới liên quan tới nội dung, kết cấu của Bộ luật Lao động cũ năm 2012 như: Bộ luật Hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017 đã bổ sung thêm một số tội danh trong lĩnh vực lao động; Luật doanh nghiệp năm 2020 đã thay đổi một số nội dung về chế định người đại diện theo pháp luật, cơ cấu tổ chức doanh nghiệp; Luật đầu tư năm 2020 đã thay đổi một số nội dung liên quan đến điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã bỏ thẩm quyền tuyên bổ hợp đồng lao động vô hiệu của Thanh tra lao động và bãi bỏ 11 Điều của Mục 5 Chương 14 (Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công) của Bộ luật Lao động cũ năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 có một số quy định mới về quyền của Ban giám sát,… Cùng với đó, một loạt các Luật chuyên ngành tách ra từ nội dung của Bộ luật Lao động cũ năm 2012 như Luật việc làm năm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Lao động cũ năm 2012 nhằm bảo đảm tính thống nhất, sự phù hợp của hệ thống pháp luật.

Xuất phát từ bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

Do tác động của sự phát triển nền kinh tế thế giới, nên vấn đề thương mại tự do và lao động ở Việt Nam cần thay đổi cho phù hợp. Bởi vậy từ năm 2016, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, sau này là Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã liên tục được chỉnh sửa nhằm đáp ứng yêu cầu này. Đặc biệt, ngày 12/11/2018, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đang chuẩn bị ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Những cam kết về lao động trong các Hiệp định này yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tuân thủ thực hiện các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của người lao động theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO). Cụ thể là 4 nhóm quyền theo 8 công ước cơ bản của ILO gồm: Tự do hiệp hội và thúc đẩy quyền thương lượng tập thể theo Công ước số 87 và Công ước số 98; Xóa bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc theo Công ước số 29 và Công ước số 105; Xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em theo Công ước số 138 và Công ước số 182; Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp theo Công ước số 100 và Công ước số 111. Những cam kết trong các hiệp định thương mại tự do nêu trên cũng là những cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc theo Điều 22 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Điều 8 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa là yêu cầu các quốc gia thành viên công ước phải bảo đảm thực hiện quyền công đoàn của người lao động và đồng thời đây là nghĩa vụ quốc gia thành viên của ILO.

Do Bộ luật Lao động cũ năm 2012 vẫn còn một số nội dung chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra nên cần thiết phải sửa đổi để bảo đảm sự tương thích với tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây