Sa thải người lao động do trộm cắp tài sản của công ty

0
2129

Sa thải công nhân trộm cắp tài sản một triệu có đúng không? Quy định pháp luật hiện hành về hình thức xử lý kỷ luật sa thải.

Bài tư vấn pháp luật lao động được thực hiện bởi: Luật gia Huỳnh Thu Hương – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

– Tóm tắt câu hỏi 

Bên tôi là bên nhà thầu phụ, mới ký hợp đồng thực hiện một phần công việc trong gói thầu xây lắp của bên nhà thầu chính. Trong quá trình làm việc công nhân bên tôi đã lấy trộm 03 cuộn đồng có giá trị khoảng 01 triệu. Vậy luật sư cho tôi hỏi bên tôi tiến hành xử lý kỷ luật sa thải có đúng không? Nếu mời họ lên làm việc 05 lần rồi mà họ không lên thì có được phép ra quyết định sa thải không?

Cảm ơn Luật sư!

– Luật sư tư vấn

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Công ty Luật TNHH Everest. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

Thứ nhất, về điều kiện được áp dụng biện pháp kỷ luật sa thải

Điều 126 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định các trường hợp áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải:

“Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:

1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;

2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.

Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này;

3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.

Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động”.

Căn cứ theo quy định trên, một trong những trường hợp người lao động bị áp dụng hình thức sa thải là người lao động có hành vi trộm cắp tài sản của người sử dụng lao động. 

Theo nội dung bạn trình bày, không xác định rõ hành vi của người lao động ở đây là hành vi trộm cắp tài sản của Công ty bạn hay của nhà thầu chính. Do vậy, chúng tôi chia ra 02 trường hợp sau:

Trường hợp 1: Tài sản trộm cắp là tài sản của nhà thầu chính

Trường hợp tài sản trộm cắp là tài sản của nhà thầu chính, căn cứ quy định trên, người lao động sẽ không bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải. Tuy nhiên, hành vi của người lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cụ thể:

  • Người lao động sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp tài sản (giá trị tài sản trộm cắp là 1.000.000 đồng).
  • Người lao động bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(i) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm.

(ii) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

(iii) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

(iv) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

(v) Tài sản là di vật, cổ vật.

Trường hợp 2: Tài sản trộm cắp là tài sản của công ty bạn

Trường hợp tài sản trộm cắp là tài sản của công ty bạn, căn cứ quy định trên, người lao động sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải.

Việc áp dụng hình thực kỷ luật sa thải đối với người lao động trên phải thực hiện theo đúng nguyên tắc và trình tự xử lý kỷ luật lao động được quy định tại Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn.

Ngoài ra, giống với trường hợp 1, trong trường hợp này, hành vi của người lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ- CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

– Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật lao động được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây