Quan hệ pháp luật về quản lí lao động

0
1399

Quản lí lao động là vấn đề quan trọng trong lĩnh vực lao động. Nhà nước với tư cách là tổ chức chính trị có quyền và trách nhiệm cao nhất nhưng không phải duy nhất, trong việc quản lí lao động.

Khi thực hiện chức năng quản lí nhà nước về lao động, quan hệ quản lí lao động giữa nhà nước và các chủ thể khác được hình thành. Quan hệ này không thuộc về nội dung của quan hệ lao động mà là một quan hệ độc lập nhưng có liên quan mật thiết với quá trình lao động xã hội và tất nhiên là có cả quan hệ lao động.
Sở dĩ có việc điều chỉnh quan hệ quản lí lao động là do tính liên hệ đã được đề cập ở trên nhưng đó không phải là lí do duy nhất. Bởi vì, trong lĩnh vực lao động, nhà nước là chủ thể vừa mang quyền vừa mang nghĩa vụ, với mục tiêu là ổn định quan hệ lao động, ổn định nền kinh tế trong đó quan hệ lao động là quan hệ mang tính chủ đạo. Nhà nước có trách nhiệm duy trì sự ổn định đó bằng nhiều biện pháp, trong đó quản lí lao động chỉ là một biện pháp thứ cấp trong các biện pháp đó.
Quan hệ pháp luật về quản lí lao động là quan hệ giữa một bên là nhà nước, chủ thể quản lí, với một bên là một hoặc các chủ thể bị quản lí. Chủ thể bị quản lí đó có thể là người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện của người lao động, tổ chức của người sử dụng lao động. Trong những khung cảnh cụ thể, quan hệ quản lí lao động có những biểu hiện cụ thể về cơ cấu chủ thể và cấu trúc hành vi. Chẳng hạn, trong quan hệ giữa nhà nước và người lao động, nhà nước xác định tính pháp lí của quyền lao động, những hành vi của người lao động trước khi tham gia quan hệ lao động, trong khi đang thực hiện quan hệ lao động và sau khi đã chấm dứt quan hệ lao động. Điều này cũng xảy ra trong mối quan hệ giữa nhà nước và người sử dụng lao động. Nhưng trong mối quan hệ giữa nhà nước và tổ chức công đoàn, nhà nước lại trở thành đối tượng bị giám sát. Mặt khác, cần phải lưu ý rằng việc quản lí lao động của nhà nước không thể không tính đến sự vận hành của cơ chế ba bên về lao động. Bời lẽ, nó vừa là một thực thể độc lập lại vừa có giá trị như là một cấu trúc đặc biệt mà dựa vào đó nhà nước có thể thực hiện được hành vi quản lí của mình một cách đúng đắn, có hiệu quả.

Ở Việt Nam, nhà nước thực hiện việc quản lí lao động bằng cách: Ban hành Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn có liên quan để các cá nhân, tổ chức, đơn vị có cơ sở để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình lao động; các cơ quan có chức năng, thẩm quyền như Tòa án cũng có thể quản lí lao động bằng cách giải quyết các tranh chấp, vấn đề lao động phát sinh khi có yêu cầu; nhà nước chỉ đạo các đơn vị như công đoàn nhằm giúp người lao động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình…

 

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây