Quy định cần biết về bảo hiểm thất nghiệp

0
1430

Trong bối cảnh tình hình kinh tế đang có những diễn biến khó khăn do tác động của đại dịch Covid – 19, tình trạng thất nghiệp là nỗi lo chung của xã hội trong năm 2021. Xuất phát từ thực tiễn đó, bảo hiểm thất nghiệp (hay còn được hiểu là trợ cấp thất nghiệp) là quy định có ý nghĩa quan trọng đối với người lao động, người sử dụng lao động và xã hội. Với bài viết sau đây, chúng tôi sẽ cung cấp tổng quan những vấn đề nổi bật nhất về bảo hiểm thất nghiệp.

quy định về bảo hiểm thất nghiệp cần lưu ý
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật lao động gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Bảo hiểm thất nghiệp là gì?

Bảo hiểm thất nghiệp là giải pháp nhằm giúp người lao động giảm thiểu, khắc phục những khó khăn do tình trạng thất nghiệp. Có thể coi bảo hiểm thất nghiệp là biện pháp hỗ trợ hiệu quả nhất đối với người lao động khi họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Trong khoảng thời gian người lao động chưa có việc làm, các chế độ của bảo hiểm thất nghiệp sẽ hỗ trợ chi trả một phần thu nhập, tạo cơ hội cho người lao động học nghề và thúc đẩy tìm kiếm công việc mới.

Căn cứ theo Khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm năm 2013 quy định: Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm?

Căn cứ theo Điều 43 Luật Việc làm năm 2013, pháp luật đã xác định rõ 02 nhóm đối tượng. Theo đó, trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp thuộc về cả người lao động và người sử dụng lao động. 

Lưu ý, trường hợp người lao động được hưởng lương hưu hoặc người lao động giúp việc gia đình không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Để nắm rõ hơn thông tin những đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội. Xem thêm: Những đối tượng nào bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Lý do nên tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Xem xét đến lý do tham gia bảo hiểm thất nghiệp, có thể đưa ra một số ý kiến như sau:

Lý do 1: Bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm bắt buộc tham gia

Ngoài một số đối tượng cụ thể như đang người đang hưởng lương hưu, làm những nghề nghiệp không thông qua hợp đồng lao động bởi các tổ chức kinh doanh, mang tính riêng lẻ như giúp việc gia đình, thợ hồ, hay buôn bán nhỏ lẻ… không bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Điều 43 Luật Việc làm năm 2013 xác định rõ nhóm đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp. 

Theo đó, nếu bất kỳ đối tượng nào thuộc trường hợp quy định tại Điều 43 Luật Việc làm năm 2013 thì bảo hiểm thất nghiệp là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện.

Lý do 2: Bảo hiểm thất nghiệp đóng vai trò quan trọng nếu đánh giá tổng quan các mối quan hệ lao động

Bảo hiểm thất nghiệp có vai trò quan trọng không chỉ đối với người lao động, người sử dụng lao động mà cả với sự cân bằng chung của xã hội.

Bảo hiểm thất nghiệp thể hiện vai trò quan trọng đối với người lao động. Bảo hiểm thất nghiệp có hai chức năng chủ yếu: chức năng bảo vệ và chức năng khuyến khích. Trợ cấp thất nghiệp chính là khoản tài chính được sử dụng để giúp người lao động có được một cuộc sống tương đối ổn định sau khi bị thất nghiệp. Với chức năng khuyến khích, bảo hiểm thất nghiệp kích thích người thất nghiệp tích cực tìm việc làm và sẵn sàng làm việc. Do đó, bảo hiểm thất nghiệp vừa là công cụ góp phần giải quyết thất nghiệp, vừa là một chính sách xã hội rất quan trọng.

Thất nghiệp tác động rất lớn đến tinh thần, tâm lý. Để ngăn chặn và hạn chế những hành vi tiêu cực có thể xảy ra khi người lao động bị mất việc làm, thì có lẽ không có biện pháp nào phát huy tác dụng những chính sách trợ cấp thất nghiệp. Rõ ràng với chính sách này người lao động cũng có thể yên tâm về cuộc sống để dồn sức lo tìm kiếm một công việc mới, ổn định dần và tiến đến việc cải thiện đời sống của gia đình mình trong tương lai.

Bảo hiểm thất nghiệp cũng vô cùng cần thiết đối với người sử dụng lao động. Nhờ có bảo hiểm thất nghiệp, nên khi thất nghiệp xảy ra; họ không phải tăng thêm chi phí để trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Hơn nữa, khi người lao động biết rõ việc nếu họ thất nghiệp, họ vẫn được trợ cấp thất nghiệp, họ sẽ yên tâm làm việc hơn. Điều này khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động có hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất.

Bảo hiểm thất nghiệp vô hình chung sẽ cân bằng lợi ích trong các mối quan hệ xã hội. Chế độ bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách xã hội. Nếu thực hiện tốt chính sách này sẽ tạo ra sự ổn định về mặt xã hội và ngược lại nếu không có nó, xã hội sẽ phát sinh nhiều tiêu cực, mất ổn định. 

Xem thêm (i): Hướng dẫn nhận bảo hiểm thất nghiệp theo quy định mới nhất

Tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hưởng những chế độ gì?

Căn cứ theo Điều 42 Luật Việc làm năm 2013, khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người tham gia được hưởng những chế độ, quyền lợi như sau:

(i) Trợ cấp thất nghiệp

(ii) Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm

(iii) Hỗ trợ học nghề

(iv) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.

quyền lợi của lao động
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật lao động gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

Căn cứ theo Điều 57 Luật Việc làm năm 2013, pháp luật đã quy định cụ thể mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng của người lao động và người sử dụng lao động như sau:

(i) Người lao động đóng 1% tiền lương tháng;

(ii) Người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia.

Muốn tìm hiểu mức đóng bảo hiểm thất nghiệp chi tiết nhất, cập nhật nhất. Xem thêm: Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định mới nhất

Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp tính như thế nào

Quy định đối với trợ cấp thất nghiệp:

Căn cứ Điều 50 Luật Việc làm năm 2013 thì người lao động được hưởng mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương hàng tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thất nghiệp.

Tuy nhiên, trợ cấp thất nghiệp người lao động nhận tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, tức là đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Thời điểm người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 của Luật Việc làm năm 2013.

Để biết được mức hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mới nhất để đảm bảo quyền lợi. Xem thêm: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mới nhất

Quy định đối với hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm:

Căn cứ Điều 14 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định rõ: Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thông qua trung tâm dịch vụ việc làm.

Như vậy, người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng quyền lợi là được tư vấn, giới thiệu dịch vụ việc làm miễn phí thông qua trung tâm dịch vụ việc làm.

Quy định đối với hỗ trợ học nghề

Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg, mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được xác định như sau:

(i) Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.

(ii) Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.

Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 01 tháng.

Đối với hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1.000.000 đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 06 tháng.

Trường hợp khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày thì tính 1/2 tháng, từ đủ 15 ngày trở lên thì tính là 01 tháng để xác định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP thì phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả.

Quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định

Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

Khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 thì người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, cụ thể:

(i) Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp:

  • Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái luật;
  • Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

(ii) Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ:

  • 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động xác định và không xác định thời hạn;
  • 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 -12 tháng.

(iii) Đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp tại Trung tâm dịch vụ việc làm.

(iv) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp:

  • Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
  • Đi học có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
  • Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc;
  • Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
  • Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
  • Chết.

Tìm hiểu về những tiêu chí cụ thể để xem xét hưởng trợ cấp thất nghiệp. Xem thêm: Điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Điều kiện hưởng hỗ trợ học nghề

Căn cứ Điều 55 Luật Việc làm năm 2013, khi đáp ứng đủ những điều kiện sau, người tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng hỗ trợ học nghề:

(i) Đã chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật hoặc đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;

(ii) Đã nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm;

(iii) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ;

(iv) Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm

Căn cứ Khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm 2013 quy định, người sử dụng lao động được nhận hỗ trợ khi:

(i) Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ;

(ii) Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu, công nghệ;

(iii) Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động;

(iv) Có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Hiệu lực của nội quy
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật lao động gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Bảo hiểm thất nghiệp lãnh như thế nào ?

Nhận bảo hiểm thất nghiệp cần giấy tờ, hồ sơ gì ?

Căn cứ theo Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp bao gồm các tài liệu sau:

(i) Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu ban hành Nghị định)

Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ:

(ii) Hợp đồng lao động đã hết hạn 

(iii) Giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động (đối với công việc theo mùa vụ hoặc có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng);

(iv) Quyết định thôi việc hay quyết định sa thải hay quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

(v) Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động;

(vi) Sổ bảo hiểm xã hội 

Trình tự thực hiện thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Người tham gia bảo hiểm thất nghiệp thực hiện đầy đủ quy trình sau để nhận quyền lợi từ bảo hiểm thất nghiệp

Bước 1: Nộp hồ sơ

Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, phải nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tới trung tâm dịch vụ việc làm.

Bước 2: Nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp

bảo hiểm thất nghiệp

 

Đến trung tâm dịch vụ việc làm nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo ngày ghi trong phiếu hẹn.

Bước 3: Nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên

Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tới cơ quan bảo hiểm xã hội nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên.

Bước 4: Thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng

Hàng tháng đến trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm theo đúng quy định.

Nắm rõ hơn thông tin về hồ sơ, trình tự thủ tục trong quá trình yêu cầu hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Xem thêm: Thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định mới nhất năm 2021

Quy định nơi hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Căn cứ Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, người lao động được đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại bất kì địa phương nào mà mình muốn nhận.

Trường hợp đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu thì người lao động có thể chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Pháp luật có quy định về việc thay đổi nơi hưởng bảo hiểm thất nghiệp, để hiểu rõ hơn vấn đề này, vui lòng xem thêm bài viết: Thay đổi nơi hưởng bảo hiểm thất nghiệp có khả thi không?

Một số giải đáp về vấn đề bảo hiểm thất nghiệp

Câu hỏi 1: Bảo hiểm thất nghiệp bao lâu thì hết hạn ? 

Trả lời: 

Theo quy định của pháp luật, thời hạn hưởng bảo hiểm thất nghiệp được quy định cụ thể tại Luật Việc làm năm 2013. Theo đó, căn cư quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật việc làm năm 2013 quy định về hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

“1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.”

>>> Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì cơ quan bảo hiểm chỉ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng. Nếu sau thời hạn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp bạn mới được công ty trả sổ bảo hiểm xã hội thì bạn không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Câu hỏi 2: Trong trường hợp đóng bảo hiểm một năm thì người lao động được hưởng mấy tháng trợ cấp thất nghiệp ?

Trả lời:

Luật Việc làm năm 2013 quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

>>> Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Câu hỏi 3: Bảo hiểm thất nghiệp khi nào được nhận ? 

Trả lời:

Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

>>> Như vậy, người lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp sau khi đã đáp ứng yêu cầu về điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp và hoàn thành việc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Câu hỏi 4: Trong trường hợp nhất định, bảo hiểm thất nghiệp không lấy có mất không?

Trả lời:

Theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. 

Căn cứ quy định tại Khoản 6 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định, sau thời hạn 3 tháng kể từ ngày người lao động hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng người lao động không đến nhận tiền trợ cấp và không thông báo bằng văn bản với cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang hưởng thì người lao động đó được xác định là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tiền trợ cấp thất nghiệp mà người lao động không đến nhận được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng theo quy định.

Đồng thời, theo Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH, pháp luật đã quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu như sau:

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu = Tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp – Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đã hưởng trợ cấp thất nghiệp

>>> Như vậy, sau 3 tháng, người lao động không nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được bảo lưu để tính vào lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo chứ không bị mất đi.

Câu hỏi 5: Bảo hiểm thất nghiệp được nhận mấy lần? Bảo hiểm thất nghiệp có được cộng dồn không?

Trả lời: 

Căn cứ tại Điều 45 Luật Việc làm năm 2013 quy định cụ thể về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động như sau:

(i) Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

(ii) Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó của người lao động không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo được tính lại từ đầu, trừ trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều 53 Luật Việc làm năm 2013.

Theo quy định nêu trên, người lao động không bị giới hạn số lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Điều này có nghĩa là nếu người lao động đã hưởng bảo hiểm thất nghiệp trước đó thì bạn vẫn sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp lần tiếp theo nếu bạn đã đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo quy định. Lưu ý, thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính cho lần hưởng trợ cấp tiếp theo sẽ không tính những năm người lao động đã hưởng bảo hiểm thất nghiệp trước đó mà sẽ tính lại từ đầu.

>>> Như vậy, theo quy định của pháp luật, người lao động được phép cộng dồn bảo hiểm thất nghiệp và không bị giới hạn số lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Xem thêm những bài viết chuyên môn khác về lĩnh vực bảo hiểm xã hội của chúng tôi tại địa chỉ: Bảo hiểm xã hội

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật. Hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây