Nguyên tắc nhân dân lao động trực tiếp thực hiện quyền và nghĩa vụ trong quản lý nhà nước

0
1867

Quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của của nhân dân lao động thể hiện tính trực tiếp của quyền lực nhân dân trong đời sống quản lý.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Huỳnh Thu Hương – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Những nguyên tắc trong quản lý hành chính nhà nước

Nguyên tắc trước hết được hiểu là “Ðiều cơ bản định ra, nhất thiết phái tuân theo trong một loạt việc làm“. Trong quản lý hành chính nhà nước, các nguyên tắc cơ bản là những tư tưởng chủ đạo bắt nguồn từ cơ sở khoa học của hoạt động quản lý, từ bản chất của chế độ, được quy định trong pháp luật làm nền tảng cho hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

Dưới góc độ của luật hành chính, nguyên tắc trong quản lý hành chính nhà nước là tổng thể những quy phạm pháp luật hành chính có nội dung đề cập tới những tư tưởng chủ đạo làm cơ sở để tổ chức thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Mỗi nguyên tắc quản lý đều có những hình thức biểu hiện khác nhau.

Các nguyên tắc quản lý nhà nước nói chung và những nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước nói riêng đã được quy định trong pháp luật như quy định trong hiến pháp, luật, văn bản dưới luật. Những nguyên tắc được quy định trong hiến pháp được xem là nguyên tắc cơ bản nhất.

Như vậy, nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước là những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo đảm bảo hoạt động quản lý hành chính nhà nước diễn ra đúng định hướng. Cũng giống như bất kỳ hoạt động có mục đích nào, quản lí hành chính nhà nước được tiến hành trên cơ sở những nguyên tắc nhất định. Đây chính là tư tưởng chỉ đạo rất quan trọng trong tổ chức và hoạt động giúp cho các chủ thể quản lý hành chính nhà nước thực hiện có hiệu quả công việc của mình trên các lĩnh vực đã được phân công. Các nguyên tắc cơ bản trong quản lý hành chính nhà nước với nội dung rất đa dạng có tính thống nhất và liện hệ chặt chẽ với nhau. Một trong những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động quản lí hành chính nhà nước đó là nguyên tắc nhân dân lao động trực tiếp thực hiện quyền và nghĩa vụ trong quản lý nhà nước.

Nội dung nguyên tắc nhân dân lao động trực tiếp thực hiện quyền và nghĩa vụ trong quản lý nhà nước

Quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của của công dân thể hiện tính trực tiếp của quyền lực nhân dân trong đời sống quản lí. Ngoài phương thức đại diện, ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được thể hiện rõ nét ở phương thức trực tiếp – mỗi công dân tự mình tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đời sống cộng đồng. Để thực hiện quyền cơ bản này, pháp luật đã quy định những quyền và nghĩa vụ cụ thể của công dân trong các lĩnh vực khác nhau của quản lí hành chính nhà nước

Trước hết, đó là quyền tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và của địa phương, quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước. Trong thực tế, đây là hình thức đã trở thành thông lệ trong đời sống sinh hoạt chính trị ở xã hội ta. Mỗi khi quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và xã hội, trước khi thông qua quyết định, Nhà nước thường tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Với hình thức này, nhân dân tự mình trực tiếp đóng góp ý kiến vào các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước. Bằng cách đó mà ý chí, trí tuệ của nhân dân ảnh hưởng đến các quyết định của nhà nước. Thực tiễn xác nhận đó là một kinh nghiệm, một hình thức dân chủ được nhà nước ta thực hiện một cách nhất quán và có hiệu quả.

Khẳng định dân chủ trực tiếp, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận quyền biểu quyết của công dân khi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý. Ghi nhận quyền này, Hiến pháp năm 2013 thể hiện đầy đủ sâu sắc hơn bản chất nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phản ánh xu thế dân chủ hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong nước cũng như quốc tế. Để đảm bảo cho các quyền của công dân được thực hiện trong quản lí hành chính nhà nước và khắc phục những sai lầm, lệch lạc của cán bộ viên chức nhà nước, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào…”. Đây là một quyền cơ bản trong các quyền và nghĩa vụ hành chính – chính trị mà công dân được hưởng.

Thông quan hành vi khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nắm bắt được những thông tin cần thiết về vi phạm pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang, cá nhân để điều tra, xem xét, xử lí những cán bộ, công chức, cá nhân vi phạm pháp luật, khôi phục những quyền đã bị xâm hại. Thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, công dân đấu tranh chống những vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích của nhà nước, tập thể, công dân, góp phần vào việc giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, nâng cao hiệu lực quản lí của bộ máy nhà nước.

Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước (cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo) ngày càng được nâng cao đã góp phần tích cực vào việc giải quyết những vấn đề có liên quan đến lợi ích của công dân, giữ vững được niềm tin của công dân đối với Nhà nước.

Công dân có quyền khiếu kiện những quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, cán bộ nhà nước có thẩm quyền xâm phạm đến lợi ích của mình và thông qua tòa án hành chính bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân công dân.

Việc trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ trên cũng chính là một hình thức tham gia vào quản lí hành chính nhà nước của nhân dân lao động. Cùng với sự phát triển của xã hội, các quyền và nghĩa vụ của công dân ngày càng được tôn trọng và bảo đảm thực hiện một cách đầy đủ hơn. Do vậy, đây cũng là một hình thức có ý nghĩa quan trọng để nhân dân lao động phát huy vai trò làm chủ của mình.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật lao động nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây