Lao động nước ngoài tại Việt Nam có thời hạn bao lâu?

0
2532

Bên cạnh lao động là công dân Việt Nam, căn cứ vào tình hình thực tế, các doanh nghiệp cũng có thể tuyển dụng người nước ngoài nhưng phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật đối với người lao động nước ngoài.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Huỳnh Thu Hương – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Lao động nước ngoài được hiểu như thế nào?

Khoản 1 Điều 3 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 lại xác định người nước ngoài dựa theo một loại giấy tờ pháp lý được gọi là giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài: Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Từ quy định trên, có thể thấy đặc điểm chung để xác định người nước ngoài là dựa vào quốc tịch của họ. Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam. Họ có thể mang một hay nhiều quốc tịch nước ngoài hoặc không có quốc tịch. Tóm lại, quốc tịch là cơ sở pháp lý để xác minh một người có phải là công dân của nước sở tại. Quyền và nghĩa vụ của công dân nước sở tại với người nước ngoài không giống nhau. Quốc tịch là căn cứ để người nước ngoài hưởng những quy chế pháp lý riêng, mặc dù về nguyên tắc, họ được hưởng quy chế “đãi ngộ như công dân” nhưng trong một số lĩnh vực, do không phải công dân Việt Nam nên người nước ngoài không có quyền thực hiện (ví dụ: quyền bầu cử và ứng cử,…).

Đối với khái niệm lao động nước ngoài, pháp luật Lao động Việt Nam không định nghĩa về khái niệm lao động di trú hay người nước ngoài mà xác định theo cách liệt kê các hình thức làm việc của lao động này.

Điều kiện lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Theo Bộ luật Lao động năm 2019, người nước ngoài muốn vào Việt Nam làm việc (trong đó có hình thức hợp đồng lao động) thì phải là công dân nước ngoài và phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp lý, cụ thể Điều 151 quy định điều kiện như sau: “1. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện sau đây: a) Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; b) Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; c) Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam; d) Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp quy định tại Điều 154 của Bộ luật này. 2. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn. 3. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác”.

Đối với giấy phép lao động, điều kiện cấp giấy phép lao động đó là người nước ngoài phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc; Là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật; Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài; Được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người nước ngoài. Người lao động là công dân nước ngoài phải xuất trình giấy phép lao động khi làm các thủ tục liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh và xuất trình theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu không có giấy phép lao động sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định của Chính phủ. Đối với người sử dụng lao động sử dụng công dân nước ngoài mà không có giấy phép lao động làm việc cho mình thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Lao động nước ngoài tại Việt Nam có thời hạn bao lâu?

Vì giấy phép lao động là một trong những điều kiện để người nước ngoài làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Là căn cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động lẫn người sử dụng lao động. Như vậy có thể căn cứ vào thời hạn giấy phép lao động để xác định thời hạn lao động. Điều 155 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về thời hạn của giấy phép lao động như sau: “Thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 02 năm, trường hợp gia hạn thì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 02 năm”.

Điều 11 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP thì đối với giấy phép lao động của công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam được cấp theo thời hạn nhưng không quá 02 năm thuộc một trong các trường hợp sau:  (i) Thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết;  (ii) Thời hạn của bên nước ngoài cử người lao động sang làm việc tại việt nam;  (iii) Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết, cung cấp dịch vụ giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài;  (iv)Thời hạn nêu trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ;  (v) Hay thời hạn đã được xác định trong giấy chứng nhận của tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; (vi)Thời hạn trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động vào việt nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó;

Thời hạn trong văn bản chứng minh người lao động được tham gia vào hoạt động của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam.

Thời hạn của giấy phép lao động được cấp lại khi Giấy phép lao động còn thời hạn bị mất, bị hỏng hoặc thay đổi nội dung ghi trong giấy phép lao động, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 8 Điều 10 Nghị định 11/2016 NĐ-CP bằng thời hạn của giấy phép lao động đã được cấp trừ đi thời gian người lao động nước ngoài đã làm việc tính đến thời điểm đề nghị cấp lại giấy phép lao động.

Thời hạn của giấy phép lao động được cấp lại khi Giấy phép lao động sắp hết hạn (còn thời hạn ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày) sẽ được cấp theo thời hạn của một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 Nghị định 11/2016 NĐ-CP nhưng không quá 02 năm.

Khuyến nghị của công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 19006198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây