Làm gì để đòi lại quyền lợi khi bị sa thải bằng miệng?

0
590

Sa thải là hình thức xử lý kỷ luật nặng nhất đối với người lao động. Thực tế không hiếm trường hợp người sử dụng lao động tự ý sa thải người lao động bằng miệng. Vậy khi bị sa thải bằng miệng, người lao động phải làm gì để đòi lại quyền lợi?

Hiệu lực của nội quy
    Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật lao động gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Các trường hợp người lao động bị kỷ luật sa thải

Theo Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có thể bị kỷ luật sa thải khi thuộc một trong các trường hợp sau:

(i) Trộm cắp tại nơi làm việc;

(ii) Tham ô tại nơi làm việc;

(iii) Đánh bạc tại nơi làm việc;

(iv) Cố ý gây thương tích tại nơi làm việc;

(v) Sử dụng ma túy tại nơi làm việc;

(vi) Tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;

(vii) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;

(viii) Có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;

(ix) Quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;

(x) Bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật;

(xi) Tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Sa thải bằng miệng có hợp pháp?

Nếu người lao động thuộc một trong 11 trường hợp nêu trên, người sử dụng lao động hoàn toàn có quyền sa thải. Tuy nhiên, theo Điều 122 Bộ luật lao động năm 2019, việc xử lý kỷ luật lao động nói chung cũng như kỷ luật sa thải đều phải đảm bảo thực hiện theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục được quy định tại Điều này.

Theo đó, việc xử lý kỷ luật sa thải người lao động phải đảm bảo sự có mặt của phía người lao động và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và phải được lập thành biên bản, không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm,…

Đồng thời, việc xử lý kỷ luật sa thải phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục tại Điều 70 Nghị định  số 145/2020/NĐ-CP về kỷ luật lao động với các bước sau:

Bước 1: Xác nhận hành vi vi phạm.

Bước 2: Tổ chức họp xử lý kỷ luật lao động.

Bước 3: Ban hành quyết định xử lý kỷ luật.

Bước 4: Thông báo công khai quyết định xử lý kỷ luật.

Như vậy, người sử dụng lao động phải tiến hành các bước trên và ban hành quyết định sa thải gửi tới người lao động thì mới coi là sa thải đúng quy định.

Do đó, việc sa thải bằng miệng là trái pháp luật. Đây cũng là một trong những hành vi bị xử phạt hành chính tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP:

” Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

Xử lý kỷ luật lao động, bồi thường thiệt hại không đúng trình tự, thủ tục, thời hiệu theo quy định của pháp luật;”

Như vậy, dù người lao động có vi phạm một trong các trường hợp được quyền sa thải thì người sử dụng lao động vẫn phải tiến hành theo đúng thủ tục quy định, không được phép sa thải trực tiếp bằng miệng. Nếu sa thải bằng miệng, người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng.

Bị sa thải bằng miệng, phải làm gì để đòi lại quyền lợi?

Dù người lao động có thuộc các trường hợp có thể sa thải hay không thì người sử dụng lao động đều không được phép sa thải bằng miệng. Nếu bị sa thải bằng miệng, người lao động cần thực hiện theo một trong các cách sau để đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình.

Cách 1: Khiếu nại đến người có thẩm quyền

Căn cứ: Nghị định số 24/2018/NĐ-CP

(i) Khiếu nại lần đầu: Tới người sử dụng lao động.

Thời hiệu khiếu nại: 180 ngày kể từ ngày bị sa thải bằng miệng, người lao động phải khiếu nại đến người sử dụng lao động.

Người lao động có thể khiếu nại bằng đơn hoặc khiếu nại trực tiếp.

Thời hạn thụ lý: Trong 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, người sử dụng lao động phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người lao động và Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Thời hạn giải quyết: Không quá 30 ngày (45 ngày với vụ việc phức tạp), kể từ ngày thụ lý; ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn là không quá 45 ngày (60 ngày với vụ việc phức tạp), kể từ ngày thụ lý.

Nếu người sử dụng lao động không giải quyết trong thời hạn nói trên hoặc người lao động không đồng ý với việc giải quyết của người sử dụng lao động thì khiếu nại lần hai hoặc trực tiếp khởi kiện tại Tòa án.

(ii) Khiếu nại lần hai: Tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Thời hiệu khiếu nại: Trong 30 ngày (45 ngày với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn), kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu, người lao động có quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Thời hạn thụ lý: Trong 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý cho người lao động.

Thời hạn giải quyết: Không quá 45 ngày (60 ngày với vụ việc phức tạp), kể từ ngày thụ lý; ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn là không quá 60 ngày (90 ngày với vụ việc phức tạp), kể từ ngày thụ lý.

Nếu không được giải quyết đúng thời hạn hoặc không đồng ý với việc giải quyết, người lao động có thể khởi kiện tới Tòa án.

Cách 2: Hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động

Đây là cách giải quyết ôn hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động thông qua bên thứ ba là Hòa giải viên lao động hoặc Hội đồng trọng tài lao động.

Căn cứ Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019, các bên không bắt buộc phải thực hiện theo cách này để giải quyết tranh chấp liên quan đến xử lý sa thải.

Trên thực tế, cách này ít được người lao động lựa chọn để đòi lại quyền lợi cho mình khi bị sa thải trái luật.

Cách 3: Khởi kiện trực tiếp tới Tòa án

Thay vì khiếu nại hoặc hòa giải, người lao động bị sa thải bằng miệng có thể trực tiếp khởi kiện tới Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự về hành vi sa thải trái pháp luật của người sử dụng lao động.

Căn cứ Điều 32, Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, người lao động có thể trực tiếp khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở yêu cầu giải quyết tranh chấp liên quan đến việc sa thải trái pháp luật.

Như vậy, người lao động có thể tùy chọn 01 trong ba cách trên để đòi lại quyền lợi hợp pháp cho mình khi bị sa thải bằng miệng.

Sa thải bằng miệng, doanh nghiệp phải bồi thường những gì?

Do sa thải bằng miệng là hành vi trái pháp luật. Vì vậy, hành vi này của người sử dụng lao động có thể coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Theo đó, người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động những khoản sau:

Tiền lương cho những ngày nghỉ làm

Theo khoản 1 Điều 41 Bộ luật Lao động năm  2019, người sử dụng lao động trong trường hợp này phải trả tiền lương theo hợp đồng lao động cho những ngày người lao động không được làm việc.

Trợ cấp thôi việc
Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động không trở lại làm việc thì người sử dụng lao động phải chi trả trợ cấp thôi việc để chấm dứt hợp đồng lao động.

Bồi thường tiền

Cũng theo khoản 2 Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động còn phải bồi thường 02 tháng tiền lương cho người lao động ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu người lao động không muốn trở lại làm việc.

Đặc biệt, nếu không muốn nhận người lao động trở lại làm việc, người sử dụng lao động phải bồi thường ít nhất 04 tháng tiền lương cho người lao động để chấm dứt hợp đồng.

Truy đóng tiền Bảo hiểm xã hội

Theo khoản 1 Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây