Hợp đồng thử việc – quy định cần biết

0
1279

Bộ luật Lao động năm 2019 không có quy định nào bắt buộc người lao động phải thử việc trước khi giao kết hợp đồng lao động. Việc có áp dụng thử việc hay không là do thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay, hầu hết các trường hợp, người sử dụng lao động đều yêu cầu người lao động phải thử việc trước khi ký hợp đồng chính thức. Do đó, để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của mình, các bên khi thỏa thuận, ký kết hợp đồng thử việc cần lưu ý đến những vấn đề sau đây.

chấm dứt hợp đồng
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật lao động gọi, Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Hợp đồng thử việc là gì?

Khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019 không nêu rõ khái niệm về hợp đồng thử việc mà chỉ quy định về vấn đề thử việc như sau:

“Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.”

Như vậy, có thể hiểu, hợp đồng thử việc là thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm thử. Hợp đồng thử việc ghi nhận một số thỏa thuận liên quan đến công việc làm thử như điều kiện làm việc, quyền và lợi ích giữa các bên…

Để biết thêm chi tiết về hợp đồng thử việc, vui lòng xem thêm bài viếtHợp đồng thử việc có phải hợp đồng lao động không?

Để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của mình, các bên khi thỏa thuận, ký kết hợp đồng thử việc cần lưu ý đến những vấn đề sau đây:

Hợp đồng lao động có điều khoản thử việc

Cũng theo Khoản 1 Điều 24 BLLĐ năm 2019 quy định: Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

Như vậy, thay vì ký hợp đồng thử việc, các bên cũng có thể ký hợp đồng lao động, trong đó có điều khoản thỏa thuận về nội dung thử việc. Với việc giao kết hợp đồng lao động để thử việc, người lao động sẽ được đảm bảo đầy đủ quyền lợi hơn so với khi ký hợp đồng thử việc. 

Người lao động có bắt buộc phải thử việc không?

Bộ luật Lao động năm 2019 không có quy định nào bắt buộc người lao động phải thử việc trước khi giao kết hợp đồng lao động. Việc có áp dụng thử việc hay không là do thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay, hầu hết các trường hợp, người sử dụng lao động đều yêu cầu người lao động phải thử việc trước khi ký hợp đồng chính thức.

Mặt khác, Khoản 3 Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định: Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng. Theo đó, người lao động sẽ không phải thử việc đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng mà được ký hợp đồng lao động luôn. Như vậy, người sử dụng lao động chỉ được yêu cầu thử việc với hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 tháng trở lên.

Nội dung của hợp đồng thử việc

Bên cạnh đó, các bên cần lưu ý về nội dung được thỏa thuận trong hợp đồng thử việc. Cụ thể:

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và một số nội dung khác. Cụ thể gồm:

(i) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

(ii) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

(iii) Công việc và địa điểm làm việc;

(iv) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

(v) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

(vi) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.

Mẫu hợp đồng thử việc theo quy định mới nhất

Từ quy định về nội dung hợp đồng. Sau đây là mẫu hợp đồng thử việc theo quy định mới nhất dành cho người lao động:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——————–

Căn cứ vào Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019

Căn cứ vào Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Bộ luật Lao động.

Căn cứ vào Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2020 hướng dẫn một số nội dụng tại Bộ luật Lao động.

                                                                               ………., ngày…….tháng…….năm…..

HỢP ĐỒNG THỬ VIỆC

(Số: ………../HĐTV)

Chúng tôi gồm:

Bên A

Ông/Bà: …………………………………………………………………………………………………………..

Chức vụ: ………………………………………………………………………………………………………….

Đại diện cho: ……………………………………………………………………………………………………

Địa chỉ: …………………………………………………………………………………………………………….

Bên B

Ông/Bà:……………………………………………………………………………………………………………

Sinh ngày ……. tháng …….. năm …….Giới tính:……………………………………………………..

Nghề nghiệp: …………………………………………………………………………………………………….

Hộ khẩu thường trú tại ……………………………………………………………………………………….

Mang CMND/CCCD số: …………….  do CA ……………  cấp ngày ……. tháng ……. năm…..

Thoả thuận ký kết Hợp đồng thử việc và cam kết làm đúng những điều khoản sau đây:

Điều 1: Công việc và địa điểm làm việc

Ông/bà…………………………………………….. làm việc theo loại Hợp đồng thử việc có thời gian là ……..tháng, kể từ ngày ……. tháng ……. năm ……. đến ngày ……. tháng ……. năm ………..

Tại địa điểm: ………………………………………………………………………………………………………..

Chức danh chuyên môn: ……………………………………. Chức vụ:……………………………………

Công việc phải làm: ……………………………………………………………………………………………..

– Thực hiện công việc theo đúng chức danh chuyên môn dưới sự quản lý, điều hành của Ban Giám đốc (và các cá nhân được bổ nhiệm và uỷ quyền của Ban Giám đốc);

– Phối hợp với các bộ phận khác trong Công ty để phát huy hiệu quả công việc;

– Những công việc khác theo nhu cầu kinh doanh của Công ty và theo lệnh của Ban Giám đốc (và các cá nhân được bổ nhiệm và uỷ quyền của Ban Giám đốc)

Điều 2: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi:

-Thời giờ làm việc: 7h/ngày, 48h/tuần, làm từ thứ 2 đến thứ 7. Cụ thể:

+ Sáng từ 8h đến 11h30

+ Chiều từ 13h30 đến 17h

– Thời giờ nghỉ ngơi:

+ Hằng tuần: được nghỉ ngày chủ nhật

+ Nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ việc riêng: Theo quy định của pháp luật Lao động.

Điều 3: Nghĩa vụ và các quyền lợi của người lao động:

  1. Quyền lợi:

–  Phương tiện đi lại làm viêc: ………………………………………………………………………………

–  Mức lương thử việc …………………………………………………………………………………………

– Phụ cấp: ………………………………………………………………………………………………………….

– Hình thức trả lương: Trả 01 lần vào ngày.….hàng tháng theo hình thức ……………….

  1. Nghĩa vụ:

– Hoàn thành những nội dung đã cam kết và những công việc trong Hợp đồng;

–  Nộp văn bằng, chứng chỉ gốc (có học hàm cao nhất theo đúng chức danh chuyên môn) cho Công ty ngay khi ký hợp đồng thử việc này.

– Chấp hành nội quy lao động, an toàn lao động, kỷ luật lao động;

– Tuyệt đối không sử dụng khách hàng của công ty để trục lợi cá nhân;

– Trong thời gian hiệu lực hợp đồng và trong vòng 24 tháng kể từ khi nghỉ việc tại Công ty nhân viên không được phép: Cung cấp thông tin, tiết lộ bí mật kinh doanh của công ty ra ngoài, không được phép hợp tác, sản xuất, kinh doanh, làm đại lý sử dụng, tiết lộ thông tin về khách hàng, mặt hàng, sản phẩm tương tự của Công ty cho bất kỳ tổ chức cá nhân nào nhằm phục vụ công việc riêng cho mình mà chưa được sự đồng ý bằng văn bản từ phía công ty. Trường hợp bị phát hiện – Cá nhân đó sẽ bị khởi tố trước pháp luật.

Điều 4: Nghĩa vụ và quyền hạn của người sử dụng lao động:

  1. Nghĩa vụ:

– Bảo đảm việc làm và thực hiện đầy đủ những điều khoản trong hợp đồng;

– Thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn các chế độ và quyền lợi cho người lao động theo hợp đồng này.

– Bảo quản văn bằng, chứng chỉ gốc (nếu có) cho nhân viên trong thời gian hiệu lực hợp đồng.

– Hoàn trả lại văn bằng, chứng chỉ gốc (nếu có) cho nhân viên sau khi nhân viên đã hoàn thành các nghĩa vụ đã cam kết tại hợp đồng thử việc này.

  1. Quyền hạn:

– Điều hành người lao động hoàn thành công việc theo Hợp đồng (bố trí, điều chuyển, tạm ngừng việc);

– Tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng thử việc, kỷ luật người lao động theo quy định của pháp luật, và nội quy lao động của Công ty.

Điều 5: Điều khoản thi hành:

– Những vấn đề về lao động không ghi trong hợp đồng thử việc này thì áp dụng theo quy định của nội quy lao động và pháp luật lao động;

– Hợp đồng thử việc này được lập thành 02 bản có giá trị như nhau, mỗi bên giữ 01 bản và có hiệu lực kể từ ngày …….. tháng ……. năm …….

Hợp đồng làm tại: …………………………………………………., ngày ……. tháng ……. năm ……………

Người lao động

Ký tên

(Ghi rõ Họ và Tên)

Người sử dụng lao động

Ký tên

(Ghi rõ Họ và Tên)

Thời gian thử việc

Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Lao động năm 2019 thì: Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau:

(i) Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

(ii) Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

(iii) Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

(iv) Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Mức lương thử việc

Điều 26 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Theo đó, khi thử việc, người lao động sẽ nhận được tiền lương theo thỏa thuận nhưng tối thiểu phải bằng 85% tiền lương của công việc đó.

Ví dụ: Công ty M tuyển dụng vị trí nhân viên bán hàng với mức lương chính thức là 09 triệu đồng/tháng. Khi thử việc ở vị trí này, người lao động sẽ nhận được ít nhất: 85% x 09 triệu đồng = 7,65 triệu đồng. Tuy nhiên, người lao động cũng có thể được trả với mức lương thử việc cao hơn số tiền 7,65 triệu đồng này.

Các chế độ đối với hợp đồng lao động thử việc

Tuy chưa chính thức xác lập quan hệ lao động nhưng người lao động làm thử cũng sẽ được hưởng một số quyền lợi như những người lao động chính thức. Chẳng hạn:

Điều kiện lao động

(i) Về thời gian làm việc: Được đảm bảo về thời gian làm việc bình thường không quá 08 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần và thời gian làm thêm giờ không vượt quá mức quy định.

(ii) Được đảm bảo về thời gian nghỉ giữa ca: ít nhất 30 phút liên tục nếu làm việc ban ngày, ít nhất 45 phút liên tục nếu làm việc ban đêm (làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc).

(iii) Nghỉ hằng năm: Căn cứ Khoản 2 Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời gian thử việc cũng được tính hưởng phép năm nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.

(iv) Nghỉ lễ, Tết: Theo Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động được nghỉ làm hưởng nguyên lương trong các dịp lễ, Tết. Do đó người lao động thử việc trong các dịp này cũng được nghỉ làm và hưởng theo mức lương thử việc đã thỏa thuận.

Hợp đồng thử việc có phải đóng bảo hiểm xã hội không

Theo như quy định của pháp luật hiện nay, thì người lao động thử việc theo hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động. Việc lựa chọn giao kết theo một trong hai loại hợp đồng trên sẽ ảnh hưởng đến việc người lao động được đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian thử việc.

Bên cạnh đó, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định rằng:

“Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.”.

Như vậy, bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ áp dụng đối với hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên mà không áp dụng đối với hợp đồng thử việc. Đồng nghĩa với đó, người lao động làm việc theo hợp đồng thử việc sẽ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tuy nhiên, nếu người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận về nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động thì người lao động sẽ trở thành đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Khi đó, thời gian thử việc của người lao động sẽ được tính vào thời gian hưởng bảo hiểm xã hội. 

Chấm dứt hợp đồng thử việc

Đối với hợp đồng thử việc, các bên cần lưu ý thêm về vấn đề chấm dứt hợp đồng thử việc. Cụ thể: 

Khi kết thúc thời gian thử việc, trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.

Trường hợp trong thời gian thử việc nếu cảm thấy không phù hợp thì người lao động có thể tự ý nghỉ việc hoặc người sử dụng lao động cũng có thể tự ý cho người lao động nghỉ mà không cần báo trước đồng thời cũng không phải bồi thường. Điều này đã được ghi nhận tại Khoản 2 Điều 27 Bộ luật Lao động năm 2019:  

“Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.”.

Để biết thêm chi tiết, vui lòng xem thêm bài viết: Hỏi về giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng thử việc

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật. Hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

 

 

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây