Đình công bất hợp pháp, người lao động bị xử lý như thế nào?

0
2079

Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo. Tuy nhiên khi tiến hành đình công bất hợp pháp, người lao động có thể bị xử lý vi phạm do hành vi của mình gây ra.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Huỳnh Thu Hương – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Trường hợp đình công bất hợp pháp

Điều 204 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về trường hợp đình công bất hợp pháp bao gồm:

Không thuộc trường hợp được đình công quy định tại Điều 199 của Bộ luật này. Cụ thể là (i) Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải; (ii) Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.

Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.

Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ luật này.

Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật này.

Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công quy định tại Điều 209 của Bộ luật này.

Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 210 của Bộ luật này.

Đình công bất hợp pháp, người lao động bị xử lý như thế nào?

Khoản 2 Điều 217 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về xử lý vi phạm, theo đó: ” 2. Khi đã có quyết định của Tòa án về cuộc đình công là bất hợp pháp thì người lao động đang tham gia đình công phải ngừng ngay đình công và trở lại làm việc; nếu người lao động không ngừng đình công, không trở lại làm việc thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Trong trường hợp cuộc đình công là bất hợp pháp mà gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. 3. Người lợi dụng đình công gây mất trật tự, an toàn công cộng, làm tổn hại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động; người có hành vi cản trở thực hiện quyền đình công, kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; người có hành vi trù dập, trả thù người tham gia đình công, người lãnh đạo cuộc đình công thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Như vậy, hình thức xử lý người lao động đình công bất hợp pháp như sau:

Xử lý kỷ luật lao động 

Trong trường hợp đình công diễn ra và đã có quyết định của Tòa án về cuộc đình công là bất hợp pháp mà người lao động không ngừng đình công, không trở lại làm việc, thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật về lao động, có thể là bị khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, cách chức hoặc sa thải.

Bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động 

Trong quá trình tiến hành đình công bất hợp pháp, người lao động có hành vi gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động giá trị thiệt hai, bao gồm:

Thiệt hại về máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm hư hỏng sau khi trừ đi giá trị thu hồi do thanh lý, tái chế (nếu có);

Chi phí khắc phục hậu quả do đình công bất hợp pháp gây ra gồm:

Vận hành máy móc thiết bị theo yêu cầu công nghệ;

Sửa chữa, thay thế máy móc, thiết bị bị hư hỏng;

Tái chế nguyên nhiên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm bị hư hỏng;

Bảo quản nguyên, nhiên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm trong thời gian diễn ra đình công;

Vệ sinh môi trường;

Bồi thường khách hàng hoặc phạt vi phạm hợp đồng do đình công xảy ra.

Xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Vấn đề xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ đặt ra đối với người lao động khi họ lợi dụng đình công để thực hiện một số hành vi sau:

Gây mất trật tự công cộng, làm tổn hại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động;

Người có hành vi cản trở thực hiện quyền đình công, kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công;

Người có hành vi trù dập, trả thù người tham gia đình công, người lãnh đạo cuộc đình công thì tuỳ theo mức độ vi phạm.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây