Có bao nhiêu ngày nghỉ phép hàng năm

0
684

Đặc biệt trong dịp dịch Corona đang bùng phát, rất nhiều nhân viên muốn được nghỉ ở nhà để an toàn và bảo vệ sức khỏe. Mở rộng vấn đề khi bạn muốn nghỉ làm nhưng vẫn không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào, thậm chí hưởng nguyên lương thì pháp luật quy định chúng ta được quyền nghỉ bao nhiêu ngày phép?

không có giấy phép
      Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật lao động gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì hiện tại có hai hình thức nghỉ làm chính: Nghỉ làm hưởng nguyên lương, bao gồm: Nghỉ tết – lễ, nghỉ việc đại sự và nghỉ hàng năm; Nghỉ làm không hưởng lương: Nghỉ việc riêng

Nghỉ làm hưởng nguyên lương

Như đã đề cập thì phương án nghỉ này là tối ưu nhất và người lao động sẽ có một thời gian nhất định để được nghỉ làm mà vẫn hưởng nguyên lương.

Dịp nghỉ đầu tiên: Nghỉ lễ tết

Dịp nghỉ này được quy định tại Điều 115 Bộ luật lao động 2012, cụ thể như sau:

Điều 115. Nghỉ lễ, tết

(i) Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây: Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch); Tết Âm lịch 05 ngày; Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch); Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

(ii) Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài ngày nghỉ lễ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

(iii) Nếu những ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

Tuy nhiên những ngày lễ tết được nghỉ là lịch cố định và không thể thay đổi, áp dụng chung trên phạm vi toàn quốc. Trong trường hợp nghỉ thêm ngày ngoài những ngày liệt kê phía trên thì sẽ không được hưởng lương.

Dịp nghỉ việc trọng đại

Trong đời mỗi con người chỉ có một vài ngày được coi là dịp trong đại, bao gồm: Hiếu (Đám tạng, giỗ) và Hỷ (cưới hỏi). Đối với người lao động, pháp luật tạo điều kiện cho phép nghỉ làm mà vẫn hưởng lương một thời gian nhất định khi vướng bận những công việc này. Điều này được cụ thể hóa tại Điều 116 Bộ luật lao động năm 2012:

Điều 116. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:

(i) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

(ii) Con kết hôn: nghỉ 01 ngày;

(iii) Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ 03 ngày.

Để nghỉ một cách tự do, thoải mái thì không thể áp dụng phương án này để nghỉ làm, vì vậy ta sang dịp nghỉ hưởng lương cuối cùng – nghỉ phép (nghỉ hàng năm).

Dịp nghỉ phép, nghỉ hàng năm

Mỗi năm làm việc thì nhà nước tạo điều kiện cho người lao động được phép nghỉ thêm một vài ngày, tách biệt với lịch nghỉ hàng tuần (1 tuần người sử dụng lao động phải tạo điều kiện cho nhân viên nghỉ tối thiểu 1 ngày). Tùy thuộc vào tính chất công việc mà số ngày nghỉ phép có thể sẽ khác nhau được quy định tại điều 111 và 112 bộ luật lao động năm 2012:

Điều 111. Nghỉ hằng năm

Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

(i) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

(ii) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

(iii) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.

Điều 112. Ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc

Cứ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

Trong trường hợp có việc gấp (ngoài dịp nghỉ việc trọng đại) hoặc đi du lịch, nghỉ mát thì người lao động thường dùng phương án – quyền này để được nghỉ. Như vậy về cơ bản thì mỗi người lao động sẽ có 12 ngày nghỉ phép mỗi năm (trung bình mỗi tháng người lao động có thêm 1 ngày để “xả hơi”).

Nghỉ không hưởng lương

Trong trường hợp người lao động đã sử dụng hết ngày được phép nghỉ, việc không đi làm không trùng với lễ tết hoặc việc đại sự thì người lao động có quyền thảo luận với sếp để xin phép nghỉ – không hưởng lương theo quy định tại Khoản 2, 3 điều 116:

Điều 116. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

(i) Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

(ii) Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.

Trong trường hợp không thỏa thuận được – không được sếp đồng ý cho nghỉ mà vẫn có tình nghỉ thì hoàn toàn có thể bị xử lý kỷ luật cao nhất là sa thải:

Điều 126. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải

Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc hoặc 20 ngày làm việc cộng đồn trong phạm vi 365 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây