Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng lao động

bồi thường thiệt hại, pháp luật lao động, người lao động, người sử dụng lao động, căn cứ bồi thường thiệt hại

0
5884

Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng lao động là một loại trách nhiệm pháp lý phát sinh khi một bên trong quan hệ lao động có hành vi vi phạm nghĩa vụ thiệt hại cho bên kia nhằm khôi phục tình trạng tài sản, bù đắp về tổn thất, tinh thần và sức khỏe cho người bị thiệt hại.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Hồ Thị Ngọc Ánh – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Khái niệm bồi thường thiệt hại trong luật lao động

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, trong một quan hệ lao động, khi người lao động và người sử dụng lao động xác lập quan hệ lao động thì cùng với đó, giữa họ xuất hiện một quan hệ nghĩa vụ. Nghĩa vụ này các bên có thể tự thỏa thuận với nhau hoặc thực hiện theo pháp luật dựa vào hợp đồng lao động. Do đó, khi một bên vi phạm nghĩa vụ (không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ) gây thiệt hại cho bên kia thì phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi mà pháp luật đã dự liệu trước đó, gọi là trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trong các quan hệ được luật lao động điều chỉnh cũng có thể xảy ra những hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ đó, bởi khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, người lao động khó có thể tránh khỏi những sơ suất, vô ý gây thiệt hại cho người sử dụng lao động hoặc người sử dụng lao động vì một lý do nào đó như lợi nhuận mà vi phạm những thỏa thuận trong hợp đồng lao động gây ra thiệt hại cho người lao động.

Để ngăn chặn và khắc phục hậu quả của những hành vi gây ra thiệt hại, Nhà nước sử dụng các biện pháp khác nhau trong đó bồi thường thiệt hại có thể được coi là một phương tiện pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quan hệ lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ lao động.

Như vậy, có thể hiểu, bồi thường thiệt hại trong luật lao động là một loại trách nhiệm pháp lý phát sinh khi một bên trong quan hệ lao động có hành vi vi phạm nghĩa vụ thiệt hại cho bên kia nhằm khôi phục tình trạng tài sản, bù đắp về tổn thất, tinh thần và sức khỏe cho người bị thiệt hại.

Căn cứ làm phát sinh bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động

Căn cứ vào chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường

Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có ba loại: (i) Bồi thường do NLĐ thực hiện khi NLĐ có hành vi vi phạm nội quy, quy định của người sử dụng lao động hoặc hợp đồng lao động gây thiệt hại cho người sử dụng lao động; (ii) Bồi thường do người sử dụng lao động thực hiện, phát sinh khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc vi phạm hợp đồng lao động gây thiệt hại cho người lao động; (iii) Bồi thường thiệt hại do người thứ ba gây ra.

Căn cứ quan hệ làm phát sinh quan hệ bồi thường

Quan hệ làm phát sinh quan hệ bồi thường có hai loại: phát sinh trong quan hệ lao động và phát sinh trong các quan hệ khác.

Bồi thường phát sinh trong quan hệ lao động là trách nhiệm bồi thường do hành vi vi phạm gây thiệt hại liên quan đến quan hệ lao động như hành vi chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hành vi vi phạm kỷ luật lao động gây thiệt hại cho người sử dụng lao động.

Bồi thường phát sinh trong các quan hệ khác là trách nhiệm bồi thường do hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại nhưng không phải trong quan hệ lao động mà trong các quan hệ khác có liên quan tới quan hệ lao động, ví dụ như trong học nghề.

Căn cứ vào ý chí của các bên trong quan hệ lao động

Căn cứ vào ý chí của các bên trong quan hệ lao động, các bên có thể bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận của hai bên, trong đó: (i) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật là trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh trong những trường hợp được pháp luật quy định trước; (ii) Bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận của hai bên là trường hợp bồi thường thiệt hại do các bên trong quan hệ lao động thỏa thuận trước hoặc sau khi thiệt hại lao động khi xảy ra tai nạn lao động…

Căn cứ vào thiệt hại xảy ra trong quan hệ lao động

Bồi thường thiệt hại về tài sản

Bồi thường thiệt hại về tài sản là trách nhiệm bồi thường thiệt hại của một bên trong quan hệ lao động khi hành vi vi phạm của họ đã gây tổn thất về tài sản cho bên kia.Bồi thường thiệt hại về tài sản là trách nhiệm của NSDLĐ đối với NLĐ khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với NLĐ trong quá trình lao động. Đây được xem là quy định đặc thù của luật lao động, khác với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe trong quan hệ dân sự.

Bồi thường thiệt hại do chấm dứt hợp đồng trái pháp luật

Bồi thường thiệt hại do chấm dứt hợp đồng trái pháp luật: Khi giao kết hợp đồng lao động, các bên có quyền tự do thỏa thuận theo ý chí của mình trong khuôn khổ pháp luật. Sau khi hợp đồng lao động có hiệu lực, bằng hành vi của mình, người lao động và người sử dụng lao động đã tham gia vào trong quan hệ lao động nên phải tuân theo những quy định của luật lao động và những thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu có hành vi vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc theo sự thỏa thuận của các bên.

Khuyến nghị của công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây