Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động bị tai nạn ?

0
1867

Câu hỏi tư vấn:

Hiện tại em có lập 1 đội nhận khoán nhân công từ thầu xây dựng (đội không có pháp nhân là công ty). Vào ngày 1/12 em có nhận 1 người vào phụ hồ cho đội. Nhưng do bất cẩn thì người đó bị té từ tầng 3 xuống, và hiện tại thì người đang nằm ở bệnh viện chợ Rẫy, tình trạng nặng em có gửi 10 triệu đồng lo thuốc thang.

Gia đình người đó yêu cầu em phải lo cho 2 đứa con họ tới năm 18t, em không đồng ý và họ đã đưa đơn ra liên đoàn lao động. Em nhận nhân công để kiếm anh em cùng làm, hiện tại em đang nuôi 2 đứa con và người vợ bị bệnh tim nên khả năng như thế nào thì em hỗ trợ như vậy. Vậy giờ người đó đưa đơn ra liên đoàn lao động thì em sẽ giải quyết như thế nào? Em có phải sẽ phải hoàn thành yêu cầu của bên bị tai nạn hay không, hiện tại tình trạng chưa giám định khả năng bị bao nhiêu phần trăm. Nhờ luật sư tư vấn và đưa ra hướng giải quyết thỏa đáng. Trân thành cảm ơn!

Luật gia Nguyễn Văn Hoàng – Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900.6198

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Công ty Luật TNHH Everest, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 về xác định quan hệ lao động.

Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Như vậy, đối chiếu quy định trên với trường hợp của bạn thì mặc dù không phải công ty, doanh nghiệp, không có ký kết hợp đồng lao động nhưng thực tế qua quá trình bạn lập đội nhận khoán nhân công từ thầu xây dựng và việc bạn nhận người lao động (người bị tai nạn) vào làm với công việc phụ hồ cho đội, có trả lương – tức đã phát sinh quan hệ lao động giữa hai đối tượng người sử dụng lao động (bạn) và người lao động (người bị tai nạn). Theo đó, khi người lao động xảy ra tai nạn tại nơi làm việc và được xác định là tai nạn lao động thì bạn sẽ phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định taị Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015.

Theo Điều 45 quy định về điều kiện hưởng chế độ lao động:

1. Bị tai nạn 

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;

3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Theo Điều 38 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

6. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;

7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;

8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này;

10. Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Theo đó, trách nhiệm của bạn là thanh toán chi phí nằm trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả và không chi trả, tiền lương trong thời gian họ điều trị chữa bệnh và khoản tiền bồi thường dựa trên mức suy giảm khả năng lao động của họ (việc tai nạn không hoàn toàn do lỗi của họ) theo quy định trên.

Do vậy, trường hợp khi gia đình người bị tai nạn có làm đơn khiếu nại gửi Phòng lao động thương binh và xã hội, liên đoàn lao động thì bạn cũng chỉ có trách nhiệm bồi thường trong phạm vi như trên. Đối với yêu cầu của người nhà là phải lo cho hai đứa con người bị tai nạn đến khi đủ 18 tuổi là không có căn cứ, cơ sở nên bạn không có trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng này theo yêu cầu của phía bên gia đình bị tai nạn.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây