Tố cáo công ty vì không ký hợp đồng lao động

0
1689
Tố cáo công ty vì không ký hợp đồng lao động. Xử phạt hành vi không giao kết hợp đồng lao động.


Tóm tắt câu hỏi:

Xin chào Luật Sư, em đang làm việc tại 1 tờ báo online, thuộc công ty TNHH MTV Giờ Giải Lao, sếp trực tiếp của em (CEO) là người Thuỵ Điển, nhưng công ty đứng tên pháp lý bởi người Việt Nam. Quy mô công ty gồm 10 người Việt & 3 người nước ngoài. Em làm việc được 8 tháng không tính 2 tháng thử việc. Kể từ đó đến nay ko hề có HĐLĐ, dù em đã nhiều lần hỏi nhưng sếp người Thuỵ Điển luôn tìm cớ hẹn, lần lữa. Cho đến nay vẫn chưa ký kết HĐLĐ, kể cả những nhân viên đã làm việc 2-3 năm. Câu hỏi của em về luật lao động là liệu có cách nào khiến công ty phải ký kết HĐLĐ bảo vệ quyền lợi (phải song ngữ Việt-Anh) ngay cho nhân viên bằng cách tố cáo, hoặc kiện? Vì không có HĐLĐ, công ty không hề có chế độ BHXH, đóng thuế thu nhập cá nhân (lương nhân viên trung bình từ 10-15 triệu/tháng) theo luật của Nhà Nước như lúc đã hứa lúc phỏng vấn. Riêng trường hợp của em do em hỏi liên tục về chế độ BHXH & BHYT nên từ tháng 1/2016 đã trừ tiền vào lương gross của em với danh nghĩa tiền BHXH, nhưng vô lý là qua 8 tháng em vẫn ko được nhận thẻ BHYT, sổ BHXH vì em chắc chắn công ty không hề đóng & đã vi phạm trầm trọng luật lao động. Em muốn hỏi trường hợp của em cần dùng đến biện pháp nào để đòi lại quyền lợi lao động của mình. Vì sếp trực tiếp là người nước ngoài nên ông ta có vẻ không sợ luật pháp Việt Nam can thiệp. Và số tiền trừ của em hàng tháng (trả qua ngân hàng) rất vô lý khi em không được nhận bất kì chế độ BH nào, liệu bằng pháp luật, cách nào & quy trình ra sao để đòi lại quyền lợi cho em & các NLĐ khác nói chung & tố cáo công ty đã không tuân thủ pháp luật. Xin luật sư hãy tư vấn cho trường hợp của em. Em xin chân thành cảm ơn.

Luật sư tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến V-Law. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

Nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động:

Trong trường hợp này, Khoản 1 Điều 18 Bộ luật lao động 2012 có quy định như sau:

Điều 18. Nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động

1. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.

Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

Khoản 1, Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:

Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

Theo quy định trên, công ty đã không ký kết hợp đồng lao động và không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì đã có hành vi phạm pháp luật lao động. Do đó, để đòi lại quyền lợi của mình và yêu cầu công ty phải ký hợp đồng lao động với nhân viên của công ty thì bạn và những nhân viên khác có thể gửi đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về lao động của công ty tới Thanh tra lao động thuộc phòng Lao động, thương binh xã hội cấp huyện.

Theo đó, theo quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP, công ty bạn sẽ bị xử phạt hành chính như sau:

– Đối với hành vi không ký hợp đồng lao động, theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP:

Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động

1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy
định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Điều 13. Vi phạm quy định về tiền lương
3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của
pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Đối với hành vi vi phạm về đóng BHXH, theo quy định tại Điều 26

Điều 26. Vi phạm quy định về đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Về vấn đề yêu cầu công ty ký kết hợp đồng và đòi lại số tiền lương mà bạn bị khấu trừ: Bạn và những nhân viên khác phải tự chứng minh quan hệ lao động của mình với công ty bằng một số cách thức như: Văn bản xác nhận của những người cùng làm việc, bảng thanh toán tiền lương hàng tháng, xác nhận của kế toán,…. Khi đã chứng minh được giữa những bạn, những nhân viên khác và công ty có tồn tại quan hệ lao động thì bạn và các nhân viên có thể thực hiện một số phương thức sau để đòi lại quyền lợi chính đáng:

Bước 1:  Gửi đơn yêu cầu giải quyết khiếu nại đến ban giám đốc công ty về việc hoàn trả tiền BHXH và khoản tiền lương bị trừ.

Bước 2: Nếu phía Công ty không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì có thể gửi đơn khiếu nại đến Phòng lao động – Thương binh xã hội.

Bước 3: Nếu không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại của Thanh tra lao động thuộc Phòng lao động – Thương binh xã hội thì các nhân viên có quyền gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi Công ty đặt trụ sở.

Theo đó, theo quy định tại Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, thì công ty bạn sẽ bị  buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định pháp luật.
Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Để được tư vấn, lắng nghe ý kiến tư vấn chính xác nhất và mới nhất từ các Luật sư vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6198. Các Luật sư chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm của chúng tôi sẽ tư vấn – hỗ trợ bạn ngay lập tức.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây