Người lao động bị tai nạn lao động được hưởng những trợ cấp gì?

0
1205
Bố tôi bị thương phải điều trị tại bệnh viện
vì xảy ra cháy nổ trong công xưởng khi bố tôi đang làm việc. Xin cho hỏi bố tôi có được hưởng trợ
cấp không?



Tóm tắt câu hỏi:

Xin Luật sư tư vấn giúp tôi vấn đề sau:

Bố tôi hiện đang làm việc tại một công ty. Do sự cố chập cháy
hệ thống điện nhà xưởng nên đã xảy ra vụ cháy lớn khiến nhiều người chết và bị thương. Bản thân bố
tôi bị thương nặng và phải vào điều trị trong bệnh viện 20 ngày. Hiện nay bố tôi đã qua cơn nguy
hiểm và phía bệnh viện yêu cầu thanh toán trước một phần viện phí (vì bố tôi điều trị theo đợt) mà
phía công ty hiện chưa trợ cấp gì và gia đình tôi thời gian này cũng đang khó khăn nên cũng không
có tiền để trả. Xin Luật sư cho hỏi trường hợp của bố tôi có được hưởng trợ cấp từ phía công ty
không? Xin chân thành cảm ơn Luật sư.

Luật sư tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng
tư vấn trực tuyến của V-Law. Với thắc mắc của bạn, tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như
sau:

Theo thông tin anh cung cấp, việc bố anh bị thương trong hoàn
cảnh như vậy đã đủ điều kiện để khẳng định đó là tai nạn lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều
142 Bộ luật lao động và có thể được hưởng chế độ tai nạn lao động. Tuy nhiên, để xem xét xem việc
có hay không được hưởng trợ cấp tai nạn lao động cần phải quan tâm đến mức độ suy giảm khả năng lao
động của người lao động. Do anh không cung cấp thông tin bố anh bị suy giảm khả năng lao động bao
nhiêu % nên chia trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Bố của anh bị tai nạn lao
động, sau khi điều trị trong thời gian 20 ngày, sức lao động không bị suy giảm hoặc bị suy giảm
dưới 5%  thì sẽ không được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật do không
đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội.

Trường hợp 2: Bố của anh bị tai nạn lao
động, sau khi điều trị trong thời gian 20 ngày, khả năng lao động bị suy giảm từ 5% trở lên thì sẽ
được hưởng chế độ tai nạn lao động. Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động còn tùy thuộc vào khả năng
lao động của người lao động bị suy giảm ở mức độ nào. Nếu bố của anh bị suy giảm khả năng lao động
từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần với mức trợ cấp như sau:

– Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm tháng
lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu
chung;

– Ngoài mức trợ cấp nêu trên, bố của anh còn được hưởng thêm
khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5
tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương, tiền công
đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị (Điều 42 Luật Bảo hiểm xã
hội).

Nếu bố của anh bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên
thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức trợ cấp hằng tháng sẽ được hưởng như sau:

– Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức
lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu
chung;

– Ngoài mức trợ cấp trên, hàng tháng còn được hưởng thêm một
khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%,
sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương, tiền công đóng bảo
hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị (Điều 43 Luật Bảo hiểm xã
hội)

 

Bên cạnh đó, bố của anh còn được hưởng bảo hiểm y tế theo quy
định tại Điều 23 Nghị định 152/2006/NĐ-CP và được dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị ổn
định thương tật, bệnh tật theo quy định tại Điều 48 Luật Bảo hiểm xã hội. Thời gian nghỉ dưỡng sức,
phục hồi sức khỏe trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần, ngày đi và về
nếu nghỉ tại cơ sở tập trung. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ do người sử dụng lao động
và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời quyết định, cụ thể như
sau:

– Tối đa 10 ngày nếu bố của anh suy giảm khả năng lao động từ
51% trở lên;

– Tối đa 7 ngày nếu bố của anh suy giảm khả năng lao
động  từ 31% đến 50%;

– Bằng 5 ngày nếu bố của anh suy giảm khả năng lao động từ
15% đến 30%.

Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe một
ngày:

– Bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục
hồi sức khỏe tại gia đình;

– Bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục
hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung, mức hưởng này tính cả tiền đi lại, tiền ăn và
ở.

Cần phải lưu ý rằng, trường hợp nếu bố của anh bị suy giảm
khả năng lao động dưới 15% sẽ không được hưởng chế độ này.

Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn
phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên
quan đến sự việc bạn có thể liên hệ để được giải đáp.

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được
trích dẫn trong tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Để được tư
vấn, lắng nghe ý kiến tư vấn chính xác nhất và mới nhất từ các Luật sư vui lòng liên hệ với chúng
tôi qua Hotline: 1900.6198. Các Luật sư chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm của
chúng tôi sẽ tư vấn – hỗ trợ bạn ngay lập tức!

Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn
về luật lao động của chúng tôi.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây