Giải quyết đối với trường hợp vi phạm về thời gian thử việc đối với người lao động?

0
1344

Tóm tắt câu hỏi:

Tôi hiện ở Đà Nẵng, tôi muốn hỏi vấn đề sau xin V-law tư vấn giúp ạ! Câu hỏi như sau: Hiện tại vợ tôi đang thử việc tại một công ty cổ phần. Làm việc từ tháng 7 năm 2015 đến nay nhưng chưa có hợp đồng lao động, công ty cũng không ký một hợp đồng giấy tờ gì, BHXH, BHYT từ đó đến nay công ty cũng không đóng. Trong tháng 7, vợ tôi đăng ký hồ sơ theo thông báo tuyển dụng nhân sự của công ty là bộ phận KCS ‘ nhân viên kiểm tra chất lượng sản phẩm ‘ ( vợ tôi tốt nghiệp đại học). Khi mới vào làm việc công ty có nói là sau 6 tháng thử việc sẽ ký hợp đồng chính thức (trong 6 tháng thử việc thì 4 tháng thử việc làm công nhân, 2 tháng còn lại thử việc làm bộ phận quản lý) và đến bây giờ là tháng 2/2016 đã thử việc xong vẫn chưa có hợp đồng lao động nào được ký kết. Theo thông tin nội bộ được biết trong số 18 người thử việc trong vòng 6 tháng thử thách công ty sẽ tuyển 10 người, trong đó có 7 người là sắp xếp do ngưởi quen trong công ty, 3 người còn lại sẽ lấy trong 11 người còn lại. Như vậy luật sư cho tôi hỏi:

1. Nếu trường hợp vợ tôi không được công ty nhận tiếp tục làm việc tại công ty với bất kỳ lý do nào do công ty đưa ra thì vợ tôi có quyền yêu cầu như thế nào theo pháp luật để được bảo vệ quyền lợi? Chúng tôi có quyền yêu cầu gì đối với công ty đó, có được phép khởi kiện không, và khởi kiện như thế nào?

2. Nếu trường hợp vợ tôi vẫn được ký kết hợp đồng nhưng mà không làm đúng như chức năng ban đầu đăng ký trong hồ sơ tuyển dụng là làm bộ phận ‘ kiểm tra chất lượng’  mà công ty sẽ chuyển sang làm bộ phận công nhân (giả sử với lý do công ty đưa ra là không đạt yêu cầu để chuyển xuống công nhân tuy làm rất tốt)  thì chúng tôi có yêu cầu gì đối với công ty, công ty có vi phạm pháp luật không, nếu có thì khởi kiện thì như thế nào?

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới V-law, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất quy định của Bộ luật lao động về thời gian thử việc

Điều 27. Thời gian thử việc

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Thông tin bạn cung cấp thì vợ bạn có bằng đại học thì thời gian thử việc tối đa mà người sử dụng lao động được phép áp dụng là 60 ngày. Việc công ty áp dụng thời gian thử việc 6 tháng là trái quy định của pháp luật lao động, do đó bạn có quyền làm đơn khiếu nại trực tiếp tới ban lãnh đạo công ty để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho mình, yêu cầu họ áp dụng đúng quy định về thời gian thử việc.

Đồng thời, với hành vi vi phạm về thời gian thử việc thì công ty sẽ phải chịu xử phạt theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội…..Cụ thể:

Điều 6. Vi phạm quy định về thử việc

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần;

b) Thử việc quá thời gian quy định;

c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả đủ 100% tiền lương cho người lao động trong thời gian thử việc đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều này.

Thứ hai, thời điểm trở thành lao động chính thức

Sau khi hết thời hạn thử việc quá 30 thì coi như xác định vợ bạn là lao động chính thức tại công ty. Tuy nhiên, để xác định loại hợp đồng mà bạn đang làm việc là loại hợp đồng nào mà thì cần xét tới tính chất công việc của bạn thường xuyên hay tính chất tạm thời mà xác định loại hợp đồng của bạn tại công ty là hợp đồng lao động xác định thời hạn hay hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Trong trường hợp, phía công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì vợ bạn có quyền yêu cầu công ty thanh toán mọi quyền lợi theo quy định của pháp luật. Cụ thể theo Điều 42 Bộ luật lao động 2012:

Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

Ngoài việc, thực hiện các nghĩa vụ trên thì xét tới loại hợp đồng thì khi công ty vi phạm về thời hạn báo trước đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn(30 ngày); hợp đồng lao động không xác định thời hạn(45 ngày) phải thanh toán tiền lương tương ứng với số ngày không báo trước.

Trường hợp, công ty cố tình không thực hiện các nghĩa vụ này thì bạn có quyền làm đơn khiếu nại lên Phòng lao động thương binh và xã hội để được giải quyết.

Trường hợp, hết thời gian thử việc công ty vẫn tiến hành giao kết hợp đồng lao động mà công việc được giao theo thỏa thuận không còn, công ty đã chuyển vợ bạn sang làm công việc khác nếu bạn không đồng ý thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Lưu ý: Trên đây là nội dung tư vấn của V-law về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giải quyết đối với trường hợp vi phạm về thời gian thử việc đối với người lao động. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến – Số điện thoại liên hệ 1900.6198 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây