Đòi quyền lợi khi bị người sử dụng lao động xâm phạm

0
1418

Tôi ký hợp đồng lao động với Công ty lần đầu 1 năm, bắt đầu từ ngày 01 tháng 10 năm 2012. Sau đó ký tiếp các hợp đồng có thời hạn 06 tháng cho tới ngày 30 tháng 6 năm 2015. Trong các hợp đồng có ghi rõ việc tôi được tham gia BHYT, BHXH theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, trong suốt thời gian tôi làm việc tại Công ty không được tham gia bảo hiểm (Có trừ tiền bảo hiểm từ lương của tôi).

Đến ngày 15 tháng 7 năm 2015 Công ty
gửi thông báo cho tôi là hợp đồng hết hạn từ ngày 30 tháng 6 năm 2015 mà trước đó hoàn toàn không
được báo trước. Bản thân tôi trong thời gian hết hợp đồng vẫn đi làm việc bình thường tại Công
ty.
Vậy tôi xin hỏi về các quyền lợi như lương tháng 7 và các khoản trợ cấp thất nghiệp tôi có được
hưởng không và thủ tục phải làm như thế nào (nếu có quyền lợi).

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến
V-Law, trường hợp này chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, theo như thông tin bạn cung cấp, lần đầu bạn ký kết loại hợp đồng có xác
định thời hạn với người sử dụng lao động thời hạn 1 năm, sau đó ký kết tiếp các hợp đồng có thời
hạn 06 tháng. Căn cứ Khoản 2 Điều 22 về loại hợp đồng lao động tại Bộ Luật lao động năm 2012 quy
định: “Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng
chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng
lao động không xác định thời hạn”
. Do vậy, việc ký kết liên tiếp loại hợp đồng có thời hạn 06
tháng đến ngày 30/6/2015 là vi phạm pháp luật lao động về loại hợp đồng ký kết.

Thứ hai, trong suốt thời gian bạn làm việc tại Công ty bạn không được tham gia bảo
hiểm nhưng người sử dụng lao động có trừ tiền bảo hiểm từ lương của bạn, chúng tôi hiểu rằng, NSDLĐ
vẫn trừ tiền lương của  NLĐ nhưng trên thực tế không đóng bảo hiểm cho NLĐ mà trốn tránh nghĩa
vụ.

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội thì người lao động làm việc theo hợp
đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên là đối
tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Về phía NSDLĐ, việc NSDLĐ không đóng bảo hiểm cho bạn là một trong những hành vi vi phạm pháp luật
về đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại Điều 134 Luật bảo hiểm xã hội. Theo quy định tại Điều 134
Luật bảo hiểm xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội bao gồm:

“1. Không đóng.

2. Đóng không đúng thời gian quy định.

3. Đóng không đúng mức quy định.

4. Đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội”.

Việc NSDLĐ không đóng bảo hiểm cho bạn là không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Theo quy định tại Điều 138 Luật bảo hiểm xã hội thì công ty của bạn có thể phải đóng số tiền chưa
đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Căn cứ theo Nghị định số: 95/2013/NĐ – CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
lao động, bảo hiểm xã hội. Nghị định quy định rõ các hình thức xử phạt, cụ thể mức phạt đối với
trường hợp NSDLĐ trốn đóng BHXH bắt buộc như sau:

Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất
nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với
người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

– Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

– Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;

– Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội
bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ ba, việc Công ty đến ngày 15/7/2015 gửi thông báo hợp đồng hết hạn từ ngày
30/6/2015 mà bạn không được báo trước là hoàn toàn sai. Căn cứ theo Khoản 1 Điều 7 Nghị định số:
95/2013/NĐ – CP quy định: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối
với người sử dụng lao động không thông báo bằng văn bản cho người lao động biết trước ít nhất 15
ngày, trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn”
.

Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc, khoảng
thời gian từ khi hợp đồng hết hạn từ ngày 30/6/2015 đến 15/7/2015 theo pháp luật lao động thì NSDLĐ
phải có nghĩa vụ, trách nhiệm trả lương cho NLĐ. Ngoài ra, sau khi Công ty có thông báo hợp đồng
hết hạn theo đúng quy định thì:

+ Bạn sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Luật bảo hiểm xã hội:
“Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36
của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao
động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng
tiền lương”
;

+ Bạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu thỏa mãn những điều kiện sau:

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm
dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản
1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36
tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43
của Luật này;

Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở
LĐTB&XH
theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Vấn đề bảo hiểm hiện tại bên phía NSDLĐ, bạn gửi đơn yêu cầu Công ty phải có trách nhiệm đóng truy
thu bảo hiểm xã hội cho bạn. Nếu Công ty vẫn trốn tránh trách nhiệm thì bạn hoàn toàn có thể gửi
đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động cá nhân tại Phòng Lao động – TB&XH cấp huyện, tiếp đó
Phòng Lao động – TB&XH báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định cử hòa giải viên tham gia
giải quyết tranh chấp lao động. Tuy nhiên, giải quyết quyền lợi về bảo hiểm bạn có thể không cần
thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà có thể gửi đơn trực tiếp yêu cầu Tòa án
giải quyết nếu quyền lợi bị xâm phạm.

Trên đây là nội dung tư vấn của V-Law
về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Đòi quyền lợi khi bị người sử dụng
lao động xâm phạm
. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng
liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến – Số điện thoại liên hệ
1900.6198
 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây