Chế định việc làm trong pháp luật lao động

0
1877

Một hoạt động được coi là việc làm khi có những đặc điểm sau: Đó là những công việc mà người lao động nhận được tiền công, đó là những công việc mà người lao động thu lợi nhuận cho bản thân và gia đình, hoạt động đó phải được pháp luật thừa nhận.

Việc làm là một phạm trù tồn tại khách quan trong nền sản xuất xã hội, phụ thuộc vào các điều kiện hiện có của nền sản xuất. Người lao động được coi là có việc làm khi chiếm giữ một vị trí nhất định trong hệ thống sản xuất của xã hội. Nhờ có việc làm mà người lao động mới thực hiện được quá trình lao động tạo ra sản phẩm cho xã hội, cho bản thân.

Khái niệm việc làm

Ở Việt Nam, khái niệm việc làm đã được quy định tại Điều 13 của Bộ luật lao động: “Mọi hoạt động lao động tạo ra nguồn thu nhập không bị pháp luật cấm đều được thừa nhận là việc làm”.

Khái niệm trên nói chung khá bao quát, nhưng chúng ta cũng thấy rõ hai hạn chế cơ bản. Thứ nhất, hoạt động nội trợ không được coi là việc làm, trong khi đó hoạt động nội trợ tạo ra các lợi ích phi vật chất và gián tiếp tạo ra lợi ích vật chất không hề nhỏ. Thứ hai, khó có thể so sánh tỷ lệ người có việc làm giữa các quốc gia với nhau vì quan niệm về việc làm giữa các quốc gia có thể khác nhau, phụ thuộc vào luật pháp, phong tục tập quán. Có những nghề ở quốc gia này thì được cho phép và được coi là việc làm, nhưng ở quốc gia khác, ví dụ đánh bạc ở Việt Nam bị cấm, nhưng ở Thái Lan và Mỹ lại được coi là một nghề. Thậm chí nghề này rất phát triển, vì nó thu hút khá đông tầng lớp thượng lưu.

Các hình thức của việc làm

Trên thực tế, việc làm được thừa nhận dưới 3 hình thức: (i) Làm công việc để nhận được tiền lương, tiền công hoặc hiện vật cho công việc đó; (ii) Làm công việc để thu lợi cho bản thân, mà bản thân lại có quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ tư liệu sản xuất để tiến hành công việc đó; (iii) Làm các công việc cho hộ gia đình mình nhưng không được trả thù lao dưới hình thức tiền lương, tiền công cho công việc đó. Hình thức này bao gồm sản xuất nông nghiệp, hoạt động kinh tế phi nông nghiệp do chủ hộ hoặc một thành viên khác trong gia đình có quyền sử dụng, sở hữu hoặc quản lý.

Các loại việc làm

Tùy theo các mục đích nghiên cứu khác nhau mà người ta phân chia việc làm ra thành nhiều loại.

Theo mức độ sử dụng thời gian làm việc, có việc làm chính và việc làm phụ. Việc làm chính là công việc mà người thực hiện giành nhiều thời gian nhất hoặc có thu nhập cao hơn so với công việc khác. Việc làm phụ là công việc mà người thực hiện giành nhiều thời gian nhất sau công việc chính.
Ngoài ra, việc làm còn được chia thành việc làm toàn thời gian, bán thời gian, việc làm thêm: (i) Việc làm toàn thời gian: Chỉ một công việc làm 8 tiếng mỗi ngày, hoặc theo giờ hành chính 8 tiếng mỗi ngày và 5 ngày trong tuần. (ii) Việc làm bán thời gian: Mô tả công việc làm không đủ thời gian giờ hành chính quy định của Nhà nước 8 tiếng mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần. Thời gian làm việc có thể dao động từ 0.5 đến 5 tiếng mỗi ngày và không liên tục. (iii) Việc làm thêm: Mô tả một công việc không chính thức, không thường xuyên bên cạnh một công việc chính thức và ổn định.

Vai trò của việc làm

Thứ nhất, đối với từng cá nhân

Đối với mỗi cá nhân, có việc làm đi đôi với có thu nhập để nuôi sống bản thân mình, vì vậy nó ảnh hưởng trực tiếp và chi phối toàn bộ đời sống của cá nhân. Việc làm ngày nay gắn chặt với trình độ học vấn, trình độ tay nghề của từng cá nhân, thực tế cho thấy những người không có việc làm thường tập trung vào những vùng nhất định (vùng đông dân cư khó khăn về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng,..), vào những nhóm người nhất định (lao động không có trình độ tay nghề, trình độ văn hoá thấp,..). Việc không có việc làm trong dài hạn còn dẫn tới mất cơ hội trau dồi, nắm bắt và nâng cao trình độ kĩ năng nghề nghiệp làm hao mòn và mất đi kiến thức, trình độ vốn có.

Thứ hai, đối với nền kinh tế

Lao động là một trong những nguồn lực quan trọng, là đầu vào không thể thay thế đối với một số ngành. Vì vậy nó là nhân tố tạo nên tăng trưởng kinh tế và thu nhập quốc dân. Nền kinh tế luôn phải đảm bảo tạo cầu và việc làm cho từng cá nhân sẽ giúp cho việc duy trì mối quan hệ hài hoà giữa việc làm và kinh tế, tức là luôn bảo đảm cho nền kinh tế có xu hướng phát triển bền vững, ngược lại nó cũng duy trì lợi ích và phát huy tiềm năng của người lao động.

Thứ ba, đối với xã hội

Việc làm có tác động trực tiếp đến xã hội, một mặt nó tác động tích cực, mặt khác nó tác động tiêu cực. Khi mọi cá nhân trong xã hội có việc làm thì xã hội đó được duy trì và phát triển do không có mâu thuẫn nội sinh trong xã hội, không tạo ra các tiêu cực, tệ nạn trong xã hội, con người được dần hoàn thiện về nhân cách và trí tuệ…Ngược lại khi nền kinh tế không đảm bảo đáp ứng về việc làm cho người lao động có thể dẫn đến nhiều tiêu cực trong đời sống xã hội và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách con người. Con người có nhu cầu lao động ngoài việc đảm bảo nhu cầu đời sống còn đảm bảo các nhu cầu về phát triển và tự hoàn thiện. Ngoài ra khi không có vệc làm trong xã hội sẽ tạo ra các hố ngăn cách giàu nghèo là nguyên nhân nảy sinh ra các mâu thuẫn và nó ảnh hưởng đến tình hình chính trị.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây