Các quan hệ liên quan đến quan hệ lao động trong pháp luật lao động

0
6921

Quan hệ liên quan đến quan hệ lao động là quan hệ phát sinh từ quan hệ lao động, gắn liền với việc sử dụng lao động hoặc có ảnh hưởng trực tiếp đến các quan hệ lao động.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Hồ Thị Ngọc Ánh – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Quan hệ việc làm liên quan đến quan hệ lao động

Quan hệ việc làm là quan hệ xã hội hình thành trong lĩnh vực giải quyết, đảm bảo việc làm cho người lao động trong xã hội. Để thực hiện mục đích này, Nhà nước với tư cách là người quản lí, định hướng thị trường lao động, phải đề ra và thực hiện chủ trương, chính sách đúng đắn về việc làm; các thiết chế hỗ trợ cho thị trường lao động như dịch vụ việc làm được hình thành; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động phải được khuyến khích và nỗ lực giải quyết, đảm bảo việc làm cho người lao động, người lao động phải có quyền tự do việc làm… Điều đó hình thành nên nhiều mối quan hệ mà chất lượng của nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành, tính bền vững của quan hệ lao động, tạo điều kiện cho quan hệ lao động hình thành và đan xen với quan hệ lao động nên được luật lao động điều chỉnh đồng bộ.

Các quan hệ chủ yếu hình thành trong lĩnh vực việc làm gồm: Quan hệ giữa Nhà nước, thông qua hệ thống các cơ quan chức năng, trong việc xác lập và thực hiện các chính sách việc làm, với các công dân, tổ chức được hưởng các chính sách việc làm đó; Quan hệ giữa các trung tâm giới thiệu việc làm, các cơ sở dịch vụ việc làm với các khách hàng; Quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Quan hệ học nghề liên quan đến quan hệ lao động

Cùng với quan hệ việc làm, quan hệ học nghề thuộc nhóm những quan hệ có ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ lao động, thường đan xen với quan hệ lao động hoặc nhiều khi phát sinh trước để tạo điều kiện cho quan hệ lao động hình thành.

Tuy nhiên, quan hệ việc làm cũng có thể hình thành độc lập với quan hệ lao động. Điều cần chú trọng là không giống như những hình thức học tập khác, học nghề là hình thức học thông qua làm việc có hướng dẫn để người học đạt được sự thành thạo về nghề nghiệp. Nghĩa là phải lao động trong quá trình học và học để lao động, để có việc làm, để giữ việc làm, thăng tiến trong quan hệ lao động… Chất lượng của quan hệ học nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội và tính bền vững của việc làm, đến trình độ người lao động và mức thu nhập của họ trong lao động.

Về mặt hình thức, có thể phân biệt quan hệ học nghề do luật lao động điều chỉnh với các quan hệ khác trong lĩnh vực học tập không do luật lao động điều chỉnh. Đó là, quan hệ học nghề bao giờ cũng phát sinh trên cơ sở hợp đồng học nghề (bằng văn bản hoặc thoả thuận miệng). Trong quá trình học, vấn đề thực hành nghề là nội dung quan trọng nhất.

Quan hệ bảo hiểm xã hội liên quan đến quan hệ lao động

Thực tế chứng minh rằng sức lao động không tồn tại vĩnh cửu cùng đời sống con người. Khi khả năng cung ứng sức lao động bị gián đoạn do ốm đau, tai nạn… hoặc giảm dần theo tuổi tác đến mức không cho phép người lao động tiếp tục làm việc thù thu nhập của họ trong quan hệ lao động cũng bị mất hoặc bị giảm. Song, các nhu cầu trong đời sống của người lao động không thể bị mất hoặc giảm theo mà trái lại còn có thể tăng lên. Một trong những giải pháp hiệu quả cho vấn đề này là phải bảo hiểm thu nhập cho người lao động để khắc phục tình trạng nghèo đói, bất hạnh có thể xảy ra đối với họ. Việc thực hiện giải pháp đó làm phát sinh quan hệ bảo hiểm xã hội, đó là quan hệ giữa những người tham gia bảo hiểm, người thực hiện bảo hiểm và người được bảo hiểm trong quá trình đóng góp quỹ và chi trả bảo hiểm xã hội.

Tính liên quan đến quan hệ lao động của quan hệ bảo hiểm xã hội không chỉ thể hiện ở mục đích, đối tượng của bảo hiểm mà còn thể hiện ở thành phần các bên tham gia và sự căn cứ vào thu nhập trong quan hệ lao động… Đó là những lý do cơ bản để luật lao động điều chỉnh quan hệ bảo hiểm xã hội.

Ngày nghỉ bù
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật lao động gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Quan hệ giải quyết tranh chấp lao động

Trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động, giữa các bên của quan hệ lao động có thể có những bất đồng, tranh chấp về quyền và lợi ích. Mâu thuẫn nhiều khi căng thẳng đến mức quan hệ lao động cá nhân có thể bị chấm dứt, tập thể lao động có thể ngừng việc để đạt được các yêu sách chung… Khi không thể tự dàn xếp, các bên thường có nhu cầu nhờ đến người có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp cần thiết. Điều đó làm phát sinh quan hệ giải quyết tranh chấp lao động, đó là những quan hệ giữa các bên của quan hệ lao động có tranh chấp với các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đó. Quan hệ này không chỉ phát sinh từ quan hệ lao động mà khi giải quyết nó, người có thẩm quyền còn phải căn cứ vào các quy định của pháp luật lao động, những thoả thuận hợp pháp giữa các bên… để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ. Vì vậy, luật lao động điều chỉnh quan hệ này cho phù hợp với tính chất và mục đích của quan hệ lao động.

Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào tính chất của tranh chấp và thủ tục cần thiết mà cơ quan có thẩm quyền phải áp dụng, quan hệ giải quyết tranh chấp lao động còn có thể do những ngành luật khác điều chỉnh. Ví dụ: Khi giải quyết các tranh chấp lao động tại toà án thì quan hệ giữa các bên tranh chấp và những người tham gia giải quyết không chỉ chịu sự điều chỉnh của luật lao động mà còn chịu sự điều chỉnh của luật tố tụng dân sự.

Quan hệ giải quyết đình công liên quan đến quan hệ lao động

Tương tự như vấn đề tranh chấp lao động, đình công có thể phát sinh do tập thể lao động không thoả mãn với quyền và lợi ích chung hiện có nhưng yêu cầu của họ không được người sử dụng lao động chấp nhận. Để đạt được mục đích của mình, tập thể người lao động thường sử dụng quyền đình công, biện pháp gây sức ép về kinh tế để thực hiện được yêu sách về quyền và lợi ích. Khi đình công, có thể chính các bên sẽ thu xếp ổn thoả vấn đề của mình bằng cách tiếp tục thương lượng, hoà giải. Cũng có thể họ được các cơ quan hữu quan giúp đỡ để đạt được thoả thuận, ngừng đình công… nhưng cũng có thể các cố gắng đó không đạt kết quả. Khi đó, các bên thường có nhu cầu giải quyết vấn đề phát sinh tại cơ quan có thẩm quyền.

Quan hệ giải quyết đình công là quan hệ giữa cơ quan có thẩm quyền giải quyết đình công với tập thể lao động hoặc người đại diện của họ và người sử dụng lao động trong quá trình giải quyết đình công.

Mục đích của quản lý nhà nước về lao động nhằm đảm bảo cho các quy định của luật lao động được thực hiện đúng và thống nhất trong phạm vi toàn quốc; Các quan hệ lao động đều vận hành theo trật tự nhất định, không làm ảnh hưởng đến lợi ích chung.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật lao động được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây