Bị tai nạn lao động được hưởng những trợ cấp gì?

tai nạn lao động, trợ cấp, lao động.

0
1359

Tóm tắt câu hỏi:

Cơ quan tôi công tác là một doanh nghiệp Nhà nước đã xảy ra một vụ tại nạn lao động trong giờ làm việc đối với một công nhân (Hợp đồng không thời hạn) phải phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn ngón cái (của bàn chân phải) và phẩu thuật ghép chốt đinh ngón trỏ (của bàn chân phải). Xin luật sư Dương Gia cho tôi biết mức độ thương tật như trên được tính tỷ lệ là bao nhiêu? Được hưởng trợ cấp một lần hay trợ cấp hàng tháng? Tôi xin cảm ơn.

Luật sư tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình, chúng tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

Căn cứ Phần 8 Bảng 1 Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích kèm theo Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH quy định về tỷ lệ tổn thương đối với một số vết thương có liên quan đến vết thương ở ngón chân như sau: Cụt ngón chân I (ngón chân cái): tỷ lệ thương tật từ 11% đến 15%; Cụt một ngón chân khác: tỷ lệ thương tật từ 3% đến 5%; Cứng khớp đốt – bàn của ngón chân I (ngón cái): tỷ lệ thương tật từ 7% đến 9%; Cứng khớp đốt – bàn hoặc các khớp liên đốt với nhau của một ngón chân khác: Cứng ở tư thế thuận: tỷ lệ thương tật từ 1% đến 3%; Cứng ở tư thế bất lợi về chức năng: tỷ lệ thương tật từ 4% đến 5%; Gẫy xương một đốt ngón chân: tỷ lệ thương tật là 1%; Thương tật ở khớp ngón chân: Cứng khớp liên đốt ngón chân cái: tỷ lệ thương tật từ 3% đến 5%, cứng khớp đốt – bàn ngón chân cái: tỷ lệ thương tật từ 7% đến 9%, cứng khớp đốt – bàn và các khớp liên đốt ngón chân cái: tỷ lệ thương tật từ 11% đến 15%, cứng khớp liên đốt ngón chân khác: tỷ lệ thương tật từ 1% đến 3%; cứng khớp đốt – bàn ngón chân khác: tỷ lệ thương tật từ 4% đến 5%; cứng khớp đốt – bàn và các khớp liên đốt ngón chân khác: tỷ lệ thương tật từ 6% đến 10%;

Đối với người có nhiều thương tổn thì tỷ lệ thương tật cơ thể được xác định theo nguyên tắc quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH như sau:“1. Việc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể được tính theo công thức sau:
Tổng tỷ lệ % TTCT = T1 + T2 + T3 +…+ Tn
Trong đó:
T1: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ nhất; T1 được xác định là tỷ lệ % TTCT cao nhất trong các TTCT.
T2: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ hai; T2 = (100 – T1) x giới hạn dưới của TTCT thứ 2/100%.
T3: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ ba; T3 = (100-T1-T2) x giới hạn dưới của TTCT thứ 3/100%.
Tn: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ n, Tn= {100-T1-T2-T3-…-T(n-1)} x giới hạn dưới của TTCT thứ n/100%.”

Theo đó, để biết chính xác tỷ lệ thương tật của người lao động bên bạn là bao nhiêu thì doanh nghiệp cần cho người này đi giám định tỷ lệ thương tật và mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đang có trụ sở. Khi người lao động bị tai nạn lao động, theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, người sử dụng lao động có các trách nhiệm sau:

– Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động;

– Thanh toán các phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động gồm: những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế; Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa; Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

– Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

– Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

+ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

+ Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

– Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

Theo quy định tại Điều 46, Điều 48, Điều 49 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, điều kiện để người lao động bị tai nạn lao động được hưởng trợ cấp tai nạn lao động như sau:

– Trợ cấp 1 lần khi người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%;

– Trợ cấp hàng tháng khi người lao động bị suy giảm khả năng lao động
từ 31% trở lên.

Do đó, dựa trên mức suy giảm khả năng lao động của người lao động để xác định người lao động bên bạn được hưởng chế độ trợ cấp một lần hay trợ cấp hàng tháng?

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Để được tư vấn, lắng nghe ý kiến tư vấn chính xác nhất và mới nhất từ các Luật sư vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6198. Các Luật sư chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm của chúng tôi sẽ tư vấn – hỗ trợ bạn ngay lập tức!

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây